Ngày 19.4, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng tổ chức cuộc họp báo giới thiệu về đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 và chương trình đại nhạc hội “Thế giới nước” tại Đà Nẵng.
Tại cuộc họp báo, liên quan đến vấn đề vùng lõi xanh được đề cập trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Thủ tướng phê duyệt, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, cho biết thời gian tới, TP cố gắng gìn giữ tối đa những mảng xanh, như: bán đảo Sơn Trà, Hải Vân, nam Hải Vân, sông Hàn, các không gian ao hồ…
Những không gian xanh do tự nhiên ban cho sẽ được gìn giữ và khôi phục, cùng với việc tăng cường diện tích không gian xanh mà TP đang thiếu, như: công viên, mảng xanh đường phố…
|
Đáng chú ý, đề cập đến cảnh quan sông Hàn tương lai, ông Tô Văn Hùng cho rằng, cần phải hiểu cấu trúc sông Hàn khác hoàn toàn so với những con sông khác. Sông Hàn được gọi là sông đô thị.
So sánh với sông Hương với bãi bờ, ông Hùng cho biết, sông Hàn từ thời kỳ Pháp thuộc đã hình thành đường Bạch Đằng Đông với bờ kè.
“Cho nên đừng nghĩ là bị bê tông hóa. Tất nhiên trong quá trình phát triển, thực tế có những dự án lấn sông, phô cứng bờ sông, tôi cũng thừa nhận là cần có khắc phục”, ông Hùng nói. “Hình hài sông Hàn như thế nào gắn với dòng sông và cụ thể là gắn với 2 tuyến phố dọc sông Hàn. Đó là những công trình xây dựng, công trình kiến trúc, công trình đô thị…”, ông Hùng cho biết thêm.
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho hay trước đây, TP đã tổ chức cuộc thi thiết kế quốc tế để đưa ra hình hài một sông Hàn. Lần này, đồ án quy hoạch được giải thưởng sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung, được cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…
“Những lỗi trong quá trình phát triển, TP đang khắc phục. Ví dụ như 2 dự án lấn sông, lần này sẽ thuyết phục nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch. Thay vì diện tích đất sửng dụng vào thương mại, đất ở nhiều thì trả lại không gian thảm xanh để mềm hóa bờ sông Hàn”, ông Hùng nói thêm.
Không còn dự án lấn biển ở Sơn Trà
Liên quan đến những lo ngại xung quanh việc lập công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà được đề cập trong điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Sơn Trà, Giám đốc Sở TN-MT TP đã có thông tin lý giải.
Cụ thể, theo ông Hùng, trước đây TP có kêu gọi xây dựng công viên với quy mô 100 ha, trong đó có diện tích lấn biển là 5 ha. Trong quá trình xem xét để đảm bảo các điệu kiện triển khai dự án, TP đã hết sức thận trọng. TP đã giao cho Sở TN-MT rà soát lại các yếu tố từ đất đai đến môi trường. Đặc biệt là việc dự án làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở khu vực nhạy cảm đặc biệt của TP là bán đảo Sơn Trà sẽ như thế nào.
|
Theo đó, Sở TN-MT TP đã tổ chức nhiều tọa đàm, các chuyên gia đánh giá, sử dụng nhiều phần mềm mô phỏng để nhận định nếu lấn biển và cả quá trình triển khai, hoạt động của dự án sẽ như thế nào.
“Khi xem xét tổng thể thì nhận thấy có nhiều vấn đề khó thỏa mãn. Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo nếu lấn biển đồng nghĩa sẽ có những khu vực bị sóng biển lấy đi các bãi. Đây là quy luật tự nhiên. Vùng trũng theo quy luật tự nhiên là sẽ tạo thành vùng tiếp sóng. Bây giờ lấn ra thì sóng phải tìm chỗ khác để lấn vào. Trong quy hoạch chung thì sẽ không còn lấn biển”, ông Hùng nói.
Cũng theo Giám đốc Sở TN-MT TP, việc xác lập dự án, dự kiến là một công viên chuyên đề, cụ thể thế nào cần phải có nhiều phần việc tiếp theo thể hiện trong quy hoạch chi tiết, kêu gọi nhà đầu tư đề xuất.
“Hiện nay vẫn chưa có cụ thể. Chỉ khẳng định có thể là dự án công viên chuyên đề và nằm trên đất liền chứ không lấn biển nữa”, ông Hùng nhấn mạnh.
15.000 tỉ đồng xây dựng Đà Nẵng là đô thị sinh tháiSở TN-MT TP.Đà Nẵng cho biết, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” với tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỉ đồng. Đề án đặt ra các mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn, và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng.
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành Đà Nẵng cùng tham gia, triển khai thực hiện đồng bộ ở 4 nhóm thành phần trọng tâm: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, với 31 tiêu chí cụ thể. Tất cả nhằm mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thành phố môi trường.
|
Bình luận (0)