Địa bàn H.Hòa Vang sở hữu hệ sinh thái tự nhiên và sinh thái văn hóa to lớn, có đồng bằng, trung du lẫn rừng núi. Thiên nhiên ở đây chưa bị “tác động” nhiều, lại phong phú lễ hội, làng nghề và các loại hình nghệ thuật, phù hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu tại 2 xã Hòa Phú, Hòa Bắc lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Ngoài Bà Nà Hills, tuyến thủy nội địa từ sông Hàn lên Hòa Vang sắp đưa vào hoạt động sẽ giúp bổ sung lượng lớn khách du lịch đến với Hòa Vang; có cơ hội phát triển khu vực ven sông gồm Túy Loan, Thạch Nham Tây, Thái Lai, Phú Túc… Chính vì vậy, theo UBND H.Hòa Vang, địa phương xác định du lịch cộng đồng (DLCĐ) là hướng thoát nghèo và phát triển bền vững, là hình thức xã hội hóa hoạt động du lịch để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất… Ngoài khách nội địa, DLCĐ rất hấp dẫn du khách nước ngoài, nhất là khách đến từ Mỹ, châu Âu, Úc.
Nhà nước “chỉ hỗ trợ”
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, DLCĐ không dễ thu lợi. Ông Dương Minh Bình, Công ty Tư vấn dịch vụ và phát triển du lịch CBT, dẫn thông tin ĐH Grifth (Úc) khảo sát 200 dự án DLCĐ và 150 homestay của thế giới (trong đó có VN) với kết luận chung: Các dự án DLCĐ thường thất bại sau khi Nhà nước và các tổ chức phi Chính phủ kết thúc nguồn hỗ trợ. “Gần đây, ở VN nở rộ các homestay tự phát. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tự thân các hộ dân không thể đơn độc và cũng không có khả năng xây dựng sản phẩm, nối kết với các công ty lữ hành, quảng bá và marketing có hệ thống. Người dân là chủ đầu tư, Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách chứ không bao cấp”, ông Bình khuyến cáo.
Để giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, năng lực, kinh nghiệm quản lý du lịch, chính quyền H.Hòa Vang đề xuất ban hành quy định về quản lý kiến trúc với từng cụm DLCĐ nhằm bảo vệ tối đa đặc trưng cảnh quan, phân bổ nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng. Đặc biệt, các chính sách về đất đai được kỳ vọng sẽ “cởi trói” và giải phóng nhiều nguồn lực, như cho phép các hộ dân tại các cụm DLCĐ đủ điều kiện làm homestay, farmstay được xây dựng công trình phục vụ du lịch trên đất nông, lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của hộ.
Kết nối doanh nghiệp - hộ dân
Chính quyền H.Hòa Vang cũng thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển DLCĐ, trong đó 80% dành cho nhà đầu tư, hộ dân vay vốn xây dựng homestay, farmstay và phát triển sản phẩm du lịch; 20% dùng đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng.
Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, đề xuất DLCĐ H.Hòa Vang cần ưu tiên phát triển mô hình hợp tác liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với hộ dân để tận dụng và phát huy lợi thế trong đầu tư và khai thác. Mô hình quản lý cũng sẽ linh hoạt, ít tầng nấc, gọn và hiệu quả; tăng trách nhiệm của người dân trong quản lý tài nguyên và khai thác khách. Ông Cường cũng kiến nghị nêu rõ trách nhiệm và vai trò của các sở ngành liên quan (Du lịch, Xây dựng, TN-MT, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông...) với sự phân công hợp lý. Từ đó, mỗi ngành có mức đầu tư và phân kỳ đầu tư hiệu quả, tránh chồng chéo lãng phí…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, gợi ý H.Hòa Vang có thể tham khảo kinh nghiệm của các địa phương có DLCĐ phát triển như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế. Từ đó, định vị nguồn khách và phương thức khai thác, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lữ hành để xây dựng chương trình tham quan.
Một số mục tiêuĐịa phương khuyến khích xã hội hóa với sự tham gia của doanh nghiệp, hộ dân. Các “cột mốc” cơ bản: đầu 2020 (vận hành 4 sản phẩm du lịch cộng đồng mới, homestay, 1 điểm vận hành); năm 2022 (phát triển 10 cụm homestay, 12 sản phẩm du lịch mới); 3 năm sau đặt mục tiêu thu hút đầu tư 20 - 25 homestay, 3 - 5 điểm dã ngoại quy mô, mỗi năm đón 400.000 lượt khách.
Phát triển các cụm DLCĐ: Tà Lang - Giàn Bí, Túy Loan - Thạch Nham Tây - Thái Lai - Phú Túc, An Định - Nam Yên - Phò Nam (giai đoạn 2020 - 2025); Phong Nam - Dương Sơn, Trung Nghĩa - Đông Sơn - Hòa Trung (giai đoạn 2025 - 2030).
|
Bình luận (0)