Bổ sung tiêu chí
Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cho hay, trung bình mỗi ngày TP có hơn 1.000 tấn rác thải ra môi trường, trong đó phần lớn là RTN và nilon. Có thể nhận thấy một lượng lớn RTN đang tồn tại ở vùng biển Đà Nẵng và có đến hơn 80% rạn san hô của TP đang ở tình trạng rất xấu, mà RTN là một trong những nguyên nhân chính gây nguy hại. Sở TN-MT cho rằng, rác thải ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra và chủ trương xây dựng Thành phố môi trường.
Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết về hạ tầng kỹ thuật, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của TP thời gian qua có chiều hướng suy giảm, chưa thực sự đảm bảo, gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong thành phần rác thải, có sự gia tăng đáng kể thành phần RTN. TP đã và đang tập trung cả về quản lý, đầu tư nhằm chuyển đổi công nghệ, tăng cường các nguồn lực từ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Hồi tháng 4.2019, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn đến năm 2025, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn đối với 3 thành phần nhựa, giấy và kim loại.
Chính quyền TP.Đà Nẵng đánh giá, gần 1 năm thực hiện phong trào chống RTN, đã có nhiều hoạt động sôi nổi với sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng và người dân. Cũng đã có những doanh nghiệp (DN) chủ động lồng ghép các hoạt động giảm thiểu nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển. “Tuy nhiên, số lượng các DN như thế vẫn còn hạn chế, do đó việc huy động thêm các DN khác cùng tham gia trong thời gian sắp tới là vô cùng cần thiết”, ông Chinh nói. Với Đà Nẵng, đây là tiêu chí rất có ý nghĩa để hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố môi trường; vì thế, sẽ bổ sung chỉ tiêu cụ thể về giảm RTN cần đạt được tại các địa phương, đơn vị…
Khuyến khích tái chế nhựa
Tại tọa đàm về chống RTN do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức mới đây, bà Phạm Thu Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN, cho biết kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030 có giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai. Trong đó, các ngành hữu quan cần chú ý huy động nguồn lực khu vực DN; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý...
Tại TP.Đà Nẵng, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế RTN. Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết đơn vị khuyến khích các hội viên nghiên cứu, đầu tư tái chế RTN để sản xuất các sản phẩm mới phục vụ cho đời sống sản xuất và sinh hoạt hằng ngày, như: bàn ghế tủ nhựa, gạch lót vỉa hè, kệ kê hàng hóa… DN cũng được kêu gọi sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, chuyển dần máy móc sang hướng không gây hại môi trường; phát động cộng đồng DN nhỏ và vừa hưởng ứng phong trào, nghiên cứu và đầu tư tái chế nhựa.
“Hiệp hội đã kêu gọi toàn thể DN hội viên giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nilon, kêu gọi cán bộ và công nhân hãy hành động và vận động gia đình nói không với RTN. Một số DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ tại các siêu thị, thương mại, nhà hàng đã chủ động triển khai biện pháp thiết thực, giảm thiểu tác hại của túi nilon, góp phần thay đổi nhận thức từ phía người tiêu dùng”, ông Bình nói.
Tại lễ ký cam kết hành động về phong trào chống RTN của TP.Đà Nẵng, ông Đinh Quang Cường, Phó giám đốc Sở TN-MT, chia sẻ một só nhiệm vụ của các ngành như: Du lịch (thí điểm 10 điểm cơ sở không dùng nhựa sử dụng 1 lần, phân loại rác tại nguồn tại 100% cơ sở lưu trú); Công thương (hạn chế sử dụng túi nilon, triển khai mô hình không sử dụng túi nilon tại 1 chợ, siêu thị); Hiệp hội DN (thiết lập chuỗi cửa hàng, DN kinh doanh ăn uống có giải pháp thưởng cho khách hàng đem theo các túi và dụng cụ đựng hàng khi mua sắm)…
|
Bình luận (0)