Đà Nẵng thu hút đầu tư: Làm 'sạch' nước thải

29/10/2019 16:47 GMT+7

TP.Đà Nẵng bắt buộc cơ sở kinh doanh đầu tư hệ thống xử lý nước thải không chỉ “siết” trách nhiệm của đơn vị kinh doanh với cộng đồng , mà đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cung ứng...

“Không chịu nổi”

Một cán bộ lãnh đạo TP.Đà Nẵng sau thời gian âm thầm quan sát khu vực biển Đà Nẵng vào sáng sớm, tận mắt chứng kiến tình trạng quán xá đổ thức ăn thừa xuống hệ thống cống chung gây hôi thối... đã thốt lên như vậy tại cuộc họp hồi tháng 6 của UBND TP. Không chỉ hôi thối, chuyện xả chui ở các nhà hàng, khách sạn (cùng với hệ thống xử lý nước thải không đạt) đã gây quá tải và khiến ven biển Đà Nẵng ô nhiễm trầm kha, nhất là khi có mưa lớn.
Ngày 22.10, tại cuộc họp với lãnh đạo TP về tình hình xả thải ven biển phía đông, Sở TN-MT cho biết theo chỉ đạo của TP.Đà Nẵng, lực lượng liên ngành vừa kiểm tra việc sử dụng nước ngầm, đấu nối thoát nước và xử lý nước thải đối với 50 cơ sở kinh doanh khu vực biển. Kết quả, phát hiện 16 cơ sở thực hiện không đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; 12/20 cơ sở có mẫu nước phân tích vượt quy chuẩn cho phép; 13 cơ sở nằm ngoài hệ thống đấu nối, thu gom nước thải. Đáng chú ý, tổng lưu lượng nước thải của 50 cơ sở khoảng hơn 10.000 m3/ngày đêm, nhưng gần 8.500 m3 nằm ngoài hệ thống thu gom.

Các cơ sở kinh doanh tìm hiểu lắp đặt trang thiết bị tách dầu mỡ

Ảnh: Nguyễn Tú

Từ tháng 6, Sở TN-MT đã mời Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (HSDC) vào tổ chức hội thảo với các nhà hàng, khách sạn, quán xá để giới thiệu công nghệ, hệ thống thiết bị tách dầu mỡ trước khi xả thải vào hệ thống chung. Tất cả nhằm hỗ trợ cơ sở kinh doanh tìm giải pháp, kịp chấn chỉnh trước “tối hậu thư” của TP.Đà Nẵng buộc phải đóng cửa các cơ sở xả thải không đảm bảo.

Đổi mới để tồn tại

Ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HSDC, cho biết Giám đốc Sở TN-MT Tô Văn Hùng trong dịp ra họp tại Hà Nội đã dành thời gian đến tìm hiểu công nghệ và chỉ qua vài lần trao đổi, HSDC quyết định mở văn phòng đại diện tại Q.Sơn Trà hôm 25.10 vừa qua. Theo ông Hùng, qua khảo sát cho thấy ngoài nhà hàng và khách sạn lớn, hiện rất ít hộ kinh doanh đầu tư tách dầu mỡ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường vì thành phần không tan trong nước, đóng kết trên hệ thống thoát nước, sông hồ… Đây cũng là dịp lãnh đạo Sở TN-MT, UBND Q.Sơn Trà chứng kiến HSDC ký hợp tác với nhiều nhà hàng lớn để lắp đặt hệ thống, trang thiết bị tách dầu mỡ, xử lý nước trước khi xả thải.
Không chỉ tìm ra giải pháp và thiết bị, mà với nhiều cơ sở kinh doanh lớn, họ đã nhìn thấy trách nhiệm phải đổi mới. Ông Đinh Văn Mai, chủ hệ thống nhà hàng hải sản Bé Anh - Galaxy (Q.Sơn Trà), cho biết khi đầu tư nhà hàng ông đã xây dựng hệ thống xử lý lắng dầu mỡ; tuy nhiên do ở khu vực gần biển, thời tiết thất thường khiến dầu mỡ đông rất nhanh, phải thường xuyên nạo vét cống nếu không sẽ tắc nghẽn. “Thực tế lâu nay TP.Đà Nẵng cũng chưa có hệ thống tách riêng nước thải, nước sinh hoạt, nên cơ sở phải chủ động xử lý ngay từ đầu nguồn. Mặc dù lần này đầu tư dội chi phí nhưng mình nghĩ trước sau cũng phải làm. Thà tốn kém một lần chứ nếu Cảnh sát môi trường, Sở TN-MT phát hiện không đạt thì còn bị phạt nặng gấp nhiều lần”, ông Mai nói.
Ông Trần Quốc Thịnh, chủ nhà hàng Năm Rảnh (Q.Ngũ Hành Sơn), cũng nhìn nhận phải đổi mới công nghệ xử lý, đúng quy cách, quy chuẩn thì mới tồn tại được. “Kinh doanh phải chấp nhận liên tục thay đổi, cố gắng khắc phục những gì chưa đạt vì trách nhiệm cộng đồng”, ông Thịnh nói.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, cho rằng các doanh nghiệp cần được khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý. Bởi cho dù các Trạm xử lý nước thải có được nâng cấp, hiện đại đến đâu mà lượng dầu mỡ không được xử lý mà xả thẳng vào cống chung thì dễ tái diễn tình trạng tắc cống, ngập úng… Hiện UBND TP.Đà Nẵng cũng đang đầu tư “khủng” lên đến 3.305 tỉ đồng để xử lý thoát nước khu vực biển phía đông nhằm thu gom triệt để nước thải qua 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đưa về trạm xử lý trước khi đổ ra môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.