Ấy vậy mà tôi cứ chần chừ rồi cũng mất mấy năm mới thật sự đặt chân lên mảnh đất này.
Chỗ ở của tôi nằm im lìm trong một con hẻm nhỏ, cái chỗ để xe bé tin hin chắn luôn cái cửa ra vào. Ngày đầu tới, bà chủ ló đầu vào hỏi tôi xem phòng có bí quá không, ngày cứ để xe bên ngoài cho rộng rồi tối hẵng dắt vào. Sáng đó, chẳng hiểu do vội vàng thế nào, tôi đuểnh đoảng khép mỗi cái cửa phòng lại chẳng thèm khóa còn cửa chính chỗ để xe thì lại quên bấm khóa vào ổ, cứ thế rút chìa khóa mà đi luôn. Chiều về, vừa tấp xe vô hẻm, bà chủ trọ chạy ra, la quá trời la: “Bây giàu quá rồi heng, bây khóa cửa kiểu nớ bây khóa chi cho tội cái ổ rứa. Rồi tới lúc mất đồ bây kêu ai”. Tôi lúc này cứ nghệt mặt ra, bà chủ thì lách cách mở cánh cửa và trả cái ống khóa phòng cho tôi. Hôm sau tôi nghe hàng xóm mách lại là sáng đó bà chủ đi qua, thấy cái ống khóa tôi treo toòng teng ở đó, bà gọi mấy lần rồi kéo cửa ngó vào, xong đi ra lấy ống khóa khác khóa cửa lại. “Bác còn thấy buổi chiều bà ấy kéo ghế ra hiên ngồi ngó sang, bảo khóa rồi mà không yên tâm, ngồi trông thế này cho chắc. Lúc mi về là bà ấy vừa cất cái ghế đi xong. La thì la thế chứ có thương lắm bà ấy mới la đó”. Người hàng xóm không quên rỉ tai tôi trước khi đi. Tôi nhìn qua bên chỗ ở của bà chủ, lòng cứ dâng lên một cảm giác ấm áp vô cùng khó tả.
Cách chỗ tôi ở tầm hai con đường là hàng rau của một bà cụ người Quảng Nam. Bà già rồi, độ tầm đâu 70 tuổi. Cái hàng rau của bà là mớ rau quê con gái bà mang ra cho bà bán. Lần đầu ghé hàng của bà là một ngày mưa rỉ rả. Tôi đứng lựa mấy món rồi cho vào túi, lúc mở cốp xe lấy tiền thì chẳng thấy cái ví đâu. Loay hoay một lúc tôi bảo bà cho tôi gửi lại túi rau để tôi về nhà lấy ví tiền. Bà dúi mớ rau vào tay tôi bảo cứ mang về, khi nào rảnh thì ghé trả. Tôi cười trêu: “Bà không sợ con quỵt tiền à?”. Bà móm mém cười, khoe hàm răng đen nhẻm vì nhai trầu nói: “Lồm như tau sợ rứa. Tồ lô”. Tôi cười ngất, bà nói cái gì một khúc dài lắm mà tôi nghe không ra, cái giọng Quảng nghe hắn lạ chi mà lạ. Hôm sau, tôi ghé trả tiền cho bà, còn được bà cho thêm mớ ổi quê, bảo của nhà trồng được, mang về ăn cho lành. Tôi hỏi sao bà không bán mà mang cho, bà bảo thấy mi thiếu tiền nên tau cho đấy. Nhìn bà bỏm bẻm nhai trầu tôi cứ nhớ tới bà ngoại của tôi. Bà ngoại cũng từng nói với tôi y như thế.
Chừng được nửa năm thì tôi dọn qua chỗ ở mới để tiện đi làm. Công ty dính đợt dịch Covid-19 nên tạm thời đóng cửa. Đang yên lành bỗng dưng thất nghiệp. Nhưng nhờ cái đợt dịch mà thấy cái tình của những con người ở Đà Nẵng nó ấm áp biết bao. Chị chủ người Hà Tĩnh ngay chỗ tôi ở hỗ trợ giảm ngay tiền phòng. Thằng nhóc bán quán tạp hóa người Đắk Lắk bên dưới nhà thỉnh thoảng lại bảo tôi có thiếu tiền thì cho mua nợ, “chừng mô chị có chị trả em sau cũng được”. Cô bán rau người Bắc tôi hay mua cũng bán rẻ hơn mọi ngày và còn nhét thêm cho ít đồ. Chủ nhà người Đà Nẵng ở chỗ đứa em tôi quen còn mang cho đám sinh viên nào trứng, nào gạo, nào mì tôm với lý do “giúp mấy đứa chống chọi qua đợt dịch”. Nhóm bạn bán cafe phải đóng quán vì dịch nhưng vẫn cùng nhau nấu nước chanh gừng mật ong và đồ ăn để mang cho những chiến sĩ ở các trạm kiểm tra. Khắp nơi lập nên những chốt phát thực phẩm miễn phí hỗ trợ người lao động xa quê và sinh viên mắc kẹt lại thành phố. Giữa những ngày chênh vênh vì dịch bệnh, đi đâu cũng gặp những nụ cười và sự giúp đỡ, đứa con xa quê dù thất nghiệp và chẳng thể trở về như tôi lại thấy Đà Nẵng thật thân tình và bao dung biết bao.
Nếu bây giờ, có ai hỏi tôi Đà Nẵng có đáng sống không? Thì tôi dám trả lời chắc nịch một câu là có. Mảnh đất Đà Nẵng thanh bình. Con người ở Đà Nẵng hiền hòa và mang một trái tim bao la nhân từ như biển cả.
Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đà Nẵng vẫn luôn thương người như rứa.
|
Bình luận (0)