Bạn đọc Báo Thanh Niên ủng hộ hàng loạt chính sách pháp luật mới, có hiệu lực từ 1.1.2020, đặc biệt là luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019), đồng thời nhắn nhủ “đã phạt thì phạt thật mạnh” chứ không thể “đầu voi đuôi chuột”.
Như Thanh Niên đã đưa tin, từ 1.1.2020, hàng loạt chính sách pháp luật mới sẽ có hiệu lực thi hành. Trong số đó, đáng lưu ý là những quy định mới của luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Phải “một lần cho tởn tới già”
Với nghị định mới, không chỉ người đi ô tô, đi xe máy, mà cả người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn cũng bị phạt. Không biết các “đệ tử Lưu Linh” có cảm thấy lo lắng hay chưa, chứ bạn đọc (BĐ) Hoàng Nhân Ái (Quảng Bình) đã vỗ tay: “Hợp lý, nhưng yêu cầu phải làm triệt để và xuyên suốt, chứ đừng có cái cảnh đầu voi đuôi chuột. Trang bị các thiết bị đo nồng độ cồn cho cảnh sát giao thông (CSGT) rồi kiểm tra nồng độ cồn mọi lúc mọi nơi, chứ đừng làm theo chuyên đề, làm theo chiến dịch ra quân”.
BĐ Nguyễn Linh (Bà Rịa-Vũng Tàu) thậm chí còn muốn các cơ quan chức năng “đã phạt thì phạt thật mạnh vào” để làm sao “bị một lần là tỉnh rượu luôn tới già mới được!”. BĐ Chương (TP.HCM) đề nghị lực lượng CSGT nhân có Nghị định 100/2019 thì “làm thật mạnh tay, làm cho tốt” để “các tay ăn nhậu phải kính nể”.
Nhưng cũng có không ít BĐ băn khoăn liệu quy định thì “khắt khe đấy” nhưng người thực thi trực tiếp có “du di”, hoặc nhân sự ở đâu ra mới đủ kiểm tra nồng độ cồn đến tận những người… đi xe đạp? BĐ Hùng (Hà Giang) lập luận: “Tham gia giao thông đâu chỉ có phương tiện, mà đi bộ cũng được xem là tham gia giao thông. Vậy phải phạt luôn người đi bộ có nồng độ cồn chứ nhỉ. Rồi ai phạt? Phạt ai?”.
Một BĐ từ TP.HCM nêu: “Tôi rất đồng tình với quy định về mức phạt khi tham gia giao thông mà uống rượu bia. Tuy nhiên, cũng cần phải nói với nhau cho rõ, tuy có đau lòng, là từ trước tới nay có nhiều quy định đưa ra thì khắt khe, nhưng người thực thi lại cò kè với người vi phạm... Tôi đề nghị lần này Bộ Công an quyết liệt chế tài những người thực thi pháp luật để xảy ra tiêu cực”.
Phải vậy chứ
Vẫn chưa thấy trường hợp người đi xe đạp nào bị CSGT kiểm tra, xử phạt, nhưng BĐ đã sẵn lòng tính giúp đủ các tình huống trớ trêu. BĐ Sunny Bảo Anh (TP.HCM) nêu: “Cho tôi hỏi biện pháp chế tài ra sao nếu một người đi xe đạp cũ, xỉn quắc cần câu, bị CSGT thổi phạt, rồi họ nói xe đó giam đi, vì xe đạp có tịch thu thì giá trị không đến 100.000 đồng, họ bỏ ngay thay vì chịu phạt 500.000 đồng. Vậy CSGT xử lý sao?”.
Có vẻ vì vậy mà BĐ Trần Nam (Hải Phòng) đưa ra đề nghị “đi bộ là cách tốt nhất vừa bảo vệ môi trường vừa không bị tai nạn”. Dĩ nhiên, không ít những phương án vui vui khác được đề cập, như BĐ Nguyễn Minh Công (Sơn La) tuyên bố chắc nịch “từ nay nước suối sẽ lên ngôi”; hay các bác tài xế xe ôm, taxi, Grab được nhanh chóng nêu tên, như BĐ Hai Lúa (TP.HCM) tỉnh queo nhận xét: “Vậy thì đi Grab, nếu nhậu hết tiền thì… đi bộ”. Nói như BĐ Hiếu Nguyễn (TP.HCM): “Các quán nhậu rất không vui, các gia đình sẽ hạnh phúc hơn vì chồng sẽ về sớm, các anh xe ôm hứng khởi vì có thêm thu nhập”.
BĐ Kiến Ròm (TP.HCM) nhấn mạnh: “Phải vậy chứ, không những trên lĩnh vực giao thông đường bộ mà nên điều chỉnh theo hướng tăng nặng hình phạt trên các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, có như thế mới nâng dần ý thức người dân”.
Bình luận (0)