Đã sang mùa mưa, tiêu thụ điện vẫn lập kỷ lục

01/06/2024 06:19 GMT+7

Tiêu thụ điện của cả nước đã lập đỉnh lịch sử "xưa nay chưa từng thấy" khi vượt mốc 1 tỉ kWh/ngày. Đáng chú ý, lượng điện tiêu thụ của Hà Nội cũng tăng chóng mặt, vượt mốc 100 triệu kWh/ngày.

Kỷ lục hơn 1 tỉ kWh/ngày, áp lực nguồn cung rất lớn

Sau TP.HCM, đến lượt TP.Hà Nội có lượng điện tiêu thụ tăng chóng mặt, từ mức 75,3 triệu kWh ngày 27.5, vọt tăng gần 25%, lên 98,7 triệu kWh trong ngày 28.5. Sang ngày 29.5, lượng điện tiêu thụ của Hà Nội chính thức lập đỉnh mới khi đạt 102,8 triệu kWh, công suất đỉnh thiết lập cùng ngày đạt 4.891 MW. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt con số 1 tỉ kWh.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, nắng nóng tiếp tục diễn ra ở cả ba miền khiến lượng điện tiêu thụ trên cả nước duy trì ở mức cao lịch sử. Đáng chú ý, trong tháng 4, khi TP.HCM liên tục phá kỷ lục về sản lượng tiêu thụ điện thì trên toàn quốc vẫn chưa vượt con số 1 tỉ kWh điện như hiện nay.

Đã sang mùa mưa, tiêu thụ điện vẫn lập kỷ lục- Ảnh 1.

Tiêu thụ điện trong tháng 5 đã lập đỉnh vượt mốc 1 tỉ kWh/ngày

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) giải thích: Với trên 55% phụ tải điện cho sinh hoạt quản lý tiêu dùng, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến trong nắng nóng, có nguy cơ gây áp lực lớn cho công tác vận hành lưới điện phân phối. Thời tiết oi bức và nắng nóng gay gắt kéo dài đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên địa bàn TP. Đáng lo ngại, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới tình hình nắng nóng sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, số ngày nắng nóng gay gắt tăng so với trung bình hằng năm. Vì thế, điện lực Hà Nội tiếp tục kêu gọi người dân đẩy mạnh việc tiết kiệm điện, nhất là vào những khung giờ cao điểm 12 - 15 giờ và 19 - 24 giờ hằng ngày.

Trong bối cảnh chỉ một vài ngày nữa sẽ nhận hóa đơn điện tháng này, nhiều người dân ở phía bắc, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội, phập phồng không biết khoản chi phí này sẽ tăng thế nào. Ông Đoàn Văn Chiến (ngụ Giảng Võ, Hà Nội) phỏng đoán, với thời lượng sử dụng thiết bị làm mát của gia đình trong hơn 1 tuần qua, chắc chắn hóa đơn tiền điện gia đình tháng 5 sẽ tăng. Chụp cho chúng tôi xem số kWh điện gia đình dùng trong tháng 5, tính hết ngày 30 nhiều hơn tháng 4 là 64 kWh, ông Chiến chốt chắc nịch: "Tăng chắc rồi!".

Tại TP.HCM, đã có nhiều cơn mưa kéo dài và nhiều ngày có mưa liên tục, trời dịu mát hẳn trong nửa sau tháng 5. Thế nhưng, lượng điện tiêu thụ thì chưa thấy dấu hiệu giảm. Dữ liệu của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho thấy, tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn TP.HCM từ ngày 1.5 đến 16 giờ ngày 31.5 là khoảng 2,857 tỉ kWh; trong khi 30 ngày của tháng 4, con số này là hơn 2,803 tỉ kWh. "Hóa đơn điện tháng 5 không bằng thì tiến, chứ không có ít hơn", chị N.H, một người dân TP.HCM, khẳng định.

Đã sang mùa mưa, tiêu thụ điện vẫn lập kỷ lục- Ảnh 2.

Kỹ sư, công nhân điện từ miền Nam được điều ra Bắc tăng thi công đường dây 500 kV mạch 3

EVNSPC

Đường dây 500 kV mạch 3 sẽ "giải cơn khát điện" cho miền Bắc

Trước tình hình tiêu thụ điện tăng vọt, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết điều chỉnh phụ tải là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống. Ngoài vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, EVN cũng tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án đường truyền. Đặc biệt trong giai đoạn hiện tại, EVN và các đơn vị đang tập trung nỗ lực cao nhất bằng mọi giải pháp để hoàn thành triển khai thi công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhận xét: Nếu hoàn thành đúng tiến độ trong tháng 6, giai đoạn miền Bắc cần nguồn cung ứng điện nhất, dự án chắc chắn là nguồn lực chính để "giải cơn khát điện" cho Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung. Vì thế, việc hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 đúng hẹn, kịp kéo điện ra Bắc trong mùa nóng khô này đang cấp bách hơn bao giờ hết.

Cũng vì thế, mọi công tác của ngành điện đang hướng về dự án này. Tính đến ngày 30.5, các tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP.Hà Nội, TP.HCM đã đăng ký huy động 119 tổ đội (mỗi tổ, đội xung kích có khoảng 12 - 15 người) với hơn 1.500 kỹ sư, công nhân điện "thiện chiến" trong ngành nhằm "chi viện" cho công tác thi công dựng cột kéo dây dự án đường dây 500 kV mạch 3. 

Theo kế hoạch, chỉ còn 30 ngày nữa phải hoàn thành dự án nên việc tăng cường nhân lực, hỗ trợ thi công sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ gói thầu xây lắp dựng cột, kéo dây. Tổng công ty Điện lực miền Nam cho hay, các đội xung kích được điều động ra Bắc để tham gia dự án đường dây 500 kV kỳ này là những kỹ sư, công nhân có tay nghề cao, chuyên môn giỏi, thường xuyên làm việc trên các địa bàn khó khăn, hiểm trở nên khả năng chống chịu, khắc phục khó khăn của họ trên công trường rất lớn. Bởi đa số các nhà thầu đều bày tỏ về sự khó khăn trong huy động nhân lực dựng cột. Thời gian còn lại đúng 1 tháng, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Trong điều kiện thời tiết bất thường, khu vực miền Trung và miền Nam nắng nóng, mưa đột ngột… cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, tiến độ thi công dựng cột, kéo dây.

Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An khẳng định: "Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia mà còn ý nghĩa đối với toàn tập đoàn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Thời gian thi công của dự án còn lại rất ngắn, thời tiết trong khu vực đang chuyển mùa nên mưa nắng thất thường, chúng tôi đề nghị các tổ đội của các tổng công ty điện lực tập trung cao độ, chú trọng an toàn trong thi công để hoàn thành dựng cột, kéo dây vào 20.6 và hoàn thành dự án trước 30.6 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ". 

Liên quan đến đảm bảo cấp điện, Cục Điều tiết điện lực thông tin: Hiện lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền trong tuần qua có chuyển biến tích cực, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Nước về hồ nhiều hơn đã giúp cơ quan quản lý điều chỉnh tăng sản lượng thủy điện, đồng thời linh hoạt điều chỉnh huy động bậc thang thủy điện Sông Đà để hạ dần về mực nước trước lũ; tách các tổ máy nhiệt điện than ra sửa chữa ngắn ngày nhằm đảm bảo khả dụng cao nhất hệ thống.

Mới đây, nhiều cử tri tại Long An, Bến Tre phản ánh về giá điện tính theo bậc thang khiến hóa đơn tiền điện tăng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện mùa nắng nóng tăng.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho hay theo số liệu thực tế năm 2023, trên cả nước, số hộ có mức sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng là 3,2 triệu hộ, chiếm 11,51% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 24 kWh/hộ/tháng; số hộ có mức sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng là 7,6 triệu hộ, chiếm 27% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 54 kWh/hộ/tháng. Trong dự thảo sửa đổi Quyết định số 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giá bán lẻ điện cho sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó giá bán lẻ điện bậc 1 sẽ là giá cho 100 kWh đầu tiên. Hiện nay dự thảo quyết định này đang được các bộ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.