Đa số đại biểu Quốc hội chưa đồng ý bỏ hộ khẩu giấy trong năm 2021

08/11/2020 06:37 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu (ĐB) về dự án luật Cư trú (sửa đổi), dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua ngày 13.11.

 Theo đó, đa số ĐB chưa yên tâm bỏ hộ khẩu giấy từ giữa năm 2021.
Cụ thể, có 402 ĐB tham gia ý kiến (chiếm 83,4% tổng số ĐB). Về điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (điểm b khoản 3 điều 20), có 235/402 (58%) ĐB tán thành phương án 1, đề nghị phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.
Về điều kiện đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ có 52% ĐB tham gia ý kiến tán thành phương án 1, đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.

Người dân từng ngày trông chờ bỏ sổ hộ khẩu

Về thời hạn đăng ký tạm trú, 55% ĐB tán thành phương án 2, đề nghị không quy định về thời hạn đăng ký tạm trú, công dân chỉ cần thực hiện đăng ký khi chuyển đến nơi mình tạm trú.
Về quy định chuyển tiếp (khoản 3 điều 38), cũng là nội dung được nhiều người chú ý nhất do liên quan đến thời điểm bỏ hộ khẩu giấy, có 266/402 (66%) ĐB tán thành phương án 1, đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022.
Ý kiến này chiếm đa số bởi ngay khi thảo luận, nhiều ĐB đã bày tỏ băn khoăn về việc Bộ Công an chưa hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu bỏ hộ khẩu giấy sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Có 135/402 ĐB tán thành phương án 2, đề nghị quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành là 1.7.2021. Chỉ có 1 ĐB không chọn phương án nào.
Ngoài ra, có ý kiến đồng ý với phương án 1 nhưng cho rằng chỉ nên kéo dài đến ngày 31.12.2021. ĐB khác cho rằng chưa có cơ sở đảm bảo sẽ vận hành tốt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại thời điểm luật có hiệu lực (1.7.2021), do đó cần có báo cáo đánh giá tác động và biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về cư trú.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.