Thu phí để giảm ô nhiễm và ùn tắc?
Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính vừa đề xuất các Bộ, ngành nghiên cứu thu phí bảo vệ môi trường với khí thải, xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và UBND TP.Hà Nội. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội cho biết sự gia tăng ô nhiễm không khí của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống. Do đó, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng về việc lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện xả thải quá mức quy định nhằm mục tiêu tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, vừa giảm ùn tắc giao thông, vừa giảm ô nhiễm môi trường.
tin liên quan
TP.HCM sốt ruột với khí thải xe máyVăn phòng Chính phủ sau đó đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP.Hà Nội, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường khí thải. Trước đó, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố tháng 10 cũng nêu Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Nên hướng tới các doanh nghiệp điện than
Thực tế, nhằm hạn chế tác động của khí thải phát ra từ phương tiện cơ giới đối với môi trường, từ cách đây cả thập kỷ, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã bổ sung quy định về đánh thuế BVMT qua xăng dầu. Hiện tại, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng là 3.000 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu nhờn 900 đồng/lít… Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 20.9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT với xăng lên kịch khung mức 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, áp dụng từ tháng 1.2019.
|
Quyết định này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải bức xúc. Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container tại TP.HCM cho hay chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% tổng chi phí vận tải. Việc giá xăng, dầu tăng cao trong vài năm trở lại đây, trong khi giá cước vận tải không những không tăng lại còn có xu hướng giảm khiến hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều lỗ nặng.
“Không chỉ chi phí nhiên liệu, tình trạng “phí chồng phí”, phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ... liên tục tăng, cộng với việc tăng thuế BVMT như gắp thêm đá tảng đè lên vai doanh nghiệp. Nay nhà nước còn tính thu thêm phí BVMT thì chúng tôi sẽ rất khó khăn. Doanh nghiệp không tăng được giá cước thì chỉ còn nước phá sản chứ làm sao chịu nổi” - vị này than.
PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng đối với vấn đề BVMT trên khí thải, nên tập trung đánh thuế, phí các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất nhiệt điện, than… vì đây mới là đối tượng thải khí nhiều, gây tác hại lớn. Các phương tiện giao thông cơ giới hiện đã phải đóng thuế BVMT trong giá nhiên liệu, tiếp tục thu thêm sẽ gây trùng lắp, phí chồng phí.
Cũng theo TS Mai, thực tế lượng khí thải của xe máy chiếm tới 80 - 90% tổng lượng khí thải, ô tô chỉ thải ra 10 - 20%. Hiện ô tô cũng đã được áp dụng kiểm soát khí thải theo tiêu chuẩn Euro4, đạt tiêu chuẩn an toàn đối với môi trường. Nếu nhắm tới đối tượng xe máy thì việc đầu tiên phải làm là thông qua đề án kiểm định khí thải đối với xe máy. Khi đó sẽ dẫn tới 2 trường hợp: Đối với số xe cũ, không đủ tiêu chuẩn khí thải nhưng vẫn có thể tiếp tục sử dụng, chủ phương tiện có thể điều chỉnh kỹ thuật một cách dễ dàng, không quá tốn kém. Trong trường hợp xe quá cũ, sử dụng trên 20 năm, đã được xếp vào loại “xe nghĩa địa” thì bắt buộc phải loại bỏ.
“Như vậy xe máy cũ sau khi kiểm định cũng đã đạt tiêu chuẩn an toàn với môi trường, cần gì phải thu thêm phí BVMT?” - vị này phân tích.
Bình luận (0)