Trong lịch sử hình thành và phát triển đến nay, chưa có cuộc khủng hoảng hay thách thức nào làm EU mất vị thế và sa sút vai trò như lần này. Để đối phó dịch, các thành viên từ lớn đến nhỏ, từ mạnh đến yếu về tiềm lực kinh tế, tài chính và khoa học, từ hiện đại đến lạc hậu về hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế, đều áp dụng những biện pháp riêng, không tham vấn lẫn nhau trong khuôn khổ EU và cũng không hẳn tuân theo mọi luật lệ, nguyên tắc chung của khối.
EU không điều phối được sự hợp tác giữa các thành viên để đối phó dịch bệnh. EU cũng không hỗ trợ thiết thực giúp các thành viên nhanh chóng kiểm soát và xoay chuyển được tình thế. Ở lần lâm vào khủng hoảng này, các thành viên dường như không cần đến EU bởi biết rõ phải tự thân vận động để tự cứu lấy mình chứ không thể dựa cậy vào EU - khác biệt hoàn toàn so với thời khủng hoảng tài chính và nợ công thời 2008 - 2009.
Trong bối cảnh ấy, EU lại còn bị một số thành viên làm cho thêm khó xử. Những thành viên như Hungary, Ba Lan hay CH Czech vẫn tiếp tục bất chấp quyết sách chung của EU về tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch đã được phân bổ. Đặc biệt là việc quốc hội Hungary trao cho chính phủ những quyền hạn đặc biệt sâu rộng để đối phó dịch bệnh. Tất cả những chuyện ấy làm tổn hại nghiêm trọng đến cả uy lẫn danh của EU, làm sa sút cả vai trò lẫn ảnh hưởng của EU.
Bình luận (0)