Đã thương thì thương cho trót

09/07/2020 11:48 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 khiến 5 triệu lao động trên cả nước mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Tại TP.HCM, đã có hơn 320.000 lao động mất việc. Thấy được khó khăn của doanh nghiệp và công nhân, Chính phủ đã kịp thời đưa ra gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỉ đồng để từng bước vượt qua khó khăn, vực dậy nền kinh tế.

Bức tranh kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 nhìn từ những con số

Cắt giảm lao động, nhất là những người đã cống hiến cả hàng chục năm chắc hẳn doanh nghiệp cũng rất đắn đo, cân nhắc. Để giúp công nhân có thêm khoản tiền vượt qua khó khăn, ngoài khoản trợ cấp theo quy định thì một số công ty đã hỗ trợ thêm, như trường hợp Công ty TNHH PouYuen VN (Q.Bình Tân, TP.HCM) hỗ trợ 1 tháng lương cho mỗi năm làm việc.
Nhưng theo quy định của nhà nước, khoản hỗ trợ này buộc phải tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với mức khấu trừ là 10%. Thông tin bị thu thuế TNCN khiến công nhân “đứng ngồi không yên” bởi 10% của khoản hỗ trợ với những người làm lâu năm sẽ khá lớn, lên đến 20 triệu đồng, nhất là trong thời điểm thất nghiệp, số tiền này càng có ý nghĩa.
Doanh nghiệp hỗ trợ công nhân về bản chất cũng là trợ cấp để người lao động trang trải cuộc sống những ngày mất việc, gặp nhiều khó khăn. Mà pháp luật cũng quy định, đã là trợ cấp thì không tính thuế TNCN. Mặt khác, Chính phủ đã hỗ trợ người lao động bị mất việc trong thời điểm ngặt nghèo, nay ngành thuế lại thu khoản thuế TNCN của người lao động thì vừa không hợp tình vừa không hợp lý. Số thuế TNCN chắc chắn sẽ không nhiều so với ngân sách nhưng lại là số tiền lớn đối với công nhân. Có thể người lao động sẽ nhận lại được phần nào khi quyết toán thuế vào cuối năm nhưng với hàng loạt thủ tục rườm rà, liệu rằng người lao động có đủ sức để chờ đợi?
Đã “thương” thì “thương cho trót”, đừng để chính sách thuế cứng nhắc làm sứt mẻ sự nhân văn của gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.