Đã tìm ra ngưỡng nhiệt độ nóng nhất con người có thể chịu đựng được

11/07/2023 15:48 GMT+7

Trong nghiên cứu mới được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh học thực nghiệm ở Edinburgh, Scotland từ 4 - 7.7, các nhà khoa học đã phát hiện ra ngưỡng nhiệt độ tối đa con người có thể chịu đựng được.

Theo nghiên cứu của Đại học Roehampton (Anh), cơ thể con người có thể mất khả năng giải nhiệt và không hoạt động tối ưu khi nhiệt độ không khí vượt quá 40 độ C, theo chuyên trang y tế Medical News Today.

Là phần tiếp theo của một nghiên cứu năm 2021, các nhà khoa học đã tiến hành một loạt thử nghiệm tiếp theo để điều tra mức nhiệt độ cao nhất cơ thể con người có thể chịu đựng.

Họ đã phát hiện ra rằng giới hạn này nằm trong khoảng từ 40 đến 50 độ C, và tốc độ trao đổi chất bắt đầu tăng ở 40 độ C.

Đã tìm ra ngưỡng nhiệt độ nóng nhất con người có thể chịu đựng được  - Ảnh 1.

Cơ thể con người có thể mất khả năng giải nhiệt và không hoạt động tối ưu khi nhiệt độ không khí vượt quá 40 độ C

Shutterstock

Nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào?

Đối với nghiên cứu, các tác giả đã tuyển dụng 13 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 23 đến 58. Mỗi người tham gia được tiếp xúc với 5 điều kiện nhiệt độ trong 1 giờ khi nghỉ ngơi. Các điều kiện bao gồm:

28 độ C và độ ẩm không khí tương đối là 50%; 40 độ C - 25%; 40 độ C - 50%; 50 độ C - 25%; 50 độ C - 50%.

Kết quả đã phát hiện ra rằng tỷ lệ trao đổi chất của người tham gia tăng 35% khi ở nhiệt độ 40 độ C - 25%, và tăng 48% khi ở 40 độ C - 50%.

Mặc dù ở nhiệt độ 50 độ C - 25%, tỷ lệ trao đổi chất không tăng so với 40 độ C và 25%, nhưng ở 50 độ C - 50%, tỷ lệ trao đổi chất tăng 56%.

Và ở 40 độ C - 25% nhiệt độ cốt lõi không tăng, trong khi ở 50 độ C - 50%, nhiệt độ lõi đã tăng 1 độ C.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng kết quả cho thấy cơ thể có thể tản nhiệt ở 40 độ C, nhưng đến 50 độ C thì không thể, theo Medical News Today.

Đặc biệt, tiến sĩ Mark Guido, nhà nội tiết học tại Bệnh viện nội tiết Novant Health Forsyth Endocrine Consultants (Mỹ), đã nhận xét rằng kết quả cho thấy tỷ lệ trao đổi chất tăng theo độ ẩm.

Đã tìm ra ngưỡng nhiệt độ nóng nhất con người có thể chịu đựng được  - Ảnh 2.

Cơ thể có thể tản nhiệt ở 40 độ C, nhưng đến 50 độ C thì "bó tay"

Shutterstock

Rõ ràng, ở độ ẩm cao hơn, tốc độ trao đổi chất cũng cao hơn, dù ở cùng nhiệt độ. Có vẻ như độ ẩm đóng vai trò lớn trong tốc độ trao đổi chất, ông Mark Guido nói.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng ở 50 độ C - 50%, việc đổ mồ hôi tăng 74% và nhịp tim tăng 64%. Đồng thời, ở điều kiện này, khối lượng công việc cơ tim cũng tăng lên, nghĩa là tim cần nhiều oxy hơn để duy trì chức năng tối ưu, theo Medical News Today.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng uống nước trong mỗi điều kiện thí nghiệm kể trên không làm mát cơ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.