Đã trúng tuyển nhưng muốn xét lại ngành khác, trường khác có được không?

21/08/2024 07:33 GMT+7

Không ít thí sinh đã trúng tuyển nhưng vì có lý do nên thay đổi ý định, muốn xét tuyển lại ngành khác, hoặc xét vào trường khác ở gần nhà. Vậy thí sinh nên làm gì?

Đây là tình huống của một số thí sinh gửi tới chương trình tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 20.8 với chủ đề 'Còn cơ hội xét tuyển đợt bổ sung?'.

Muốn xét lại vào trường gần nhà dù đã trúng tuyển tại TP.HCM

Thí sinh Nguyễn Hà Phương (Huế), cho biết mình đăng ký 3 nguyện vọng, 2 trường ở TP.HCM và Trường ĐH Duy Tân. "Em đã trúng tuyển ngành khoa học máy tính ở nguyện vọng thứ 2 tại TP.HCM. Tuy nhiên nhà em đột ngột có việc nên em thay đổi quyết định, muốn đi học gần để tiện về nhà hơn. Vậy bây giờ em có thể bỏ trường ở TP.HCM để xét tuyển vào Trường ĐH Duy Tân hay không?", Hà Phương đặt câu hỏi.

Đã trúng tuyển nhưng muốn xét lại ngành khác, trường khác có được không?- Ảnh 1.

Thí sinh trúng tuyển trong giai đoạn làm thủ tục nhập học

NGỌC LONG

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết đây là tình trạng của không ít thí sinh trong nhiều năm qua. "Chẳng hạn năm 2023, thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học chiếm 15% với nhiều lý do. Có thể do trường ở xa nhà, hoặc học phí vượt quá khả năng của gia đình... nên thí sinh lại muốn thay đổi. Thí sinh hoàn toàn có quyền từ chối nhập học để xét tuyển bổ sung, nhưng phải cân nhắc".

Theo tiến sĩ Hải, Bộ GD-ĐT yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống từ ngày 19.8 đến 17 giờ ngày 27.8, sau thời gian này không xác nhận nhập học, coi như từ chối quyền nhập học.

"Trường hợp nếu vì lý do gia đình, em không còn muốn học tại trường đã trúng tuyển thì em không xác nhận nhập học. Sau đó em xét bổ sung vào ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Duy Tân, nhận hồ sơ đến ngày 5.9. Tuy nhiên các em lưu ý điểm trúng tuyển ở đợt bổ sung sẽ lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn đợt 1. Nếu điểm của em chỉ bằng điểm chuẩn đợt 1 thì nên cân nhắc, và nên nộp ở vài trường. Nếu điểm cao hơn điểm chuẩn đợt 1 thì cơ hội trúng tuyển của em nhiều hơn".

Vì sao điểm chuẩn đại học khối C tăng chót vót?

Được biết ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Duy Tân có điểm chuẩn 16 ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, 18 ở phương thức xét học bạ, 650 ở phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và 85 của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Vẫn còn cơ hội đổi ngành

Trần Hải Tú (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại rơi vào tình huống ban đầu thích ngành quan hệ quốc tế Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhưng sợ không trúng tuyển nên không đăng ký, sau khi có điểm chuẩn thì mới biết mình dư 0,25 điểm. "Nay em đã trúng tuyển ngành kinh tế quốc tế của trường. Em có nên xét lại ngành quan hệ quốc tế hay không?".

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho hay thí sinh nếu đã trúng tuyển nhưng không ưng ý thì có thể từ chối nhập học.

Đã trúng tuyển nhưng muốn xét lại ngành khác, trường khác có được không?- Ảnh 2.

Đại diện các trường ĐH giải đáp thắc mắc về xét tuyển bổ sung

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đang xét bổ sung nhiều ngành, trong đó có ngành quan hệ quốc tế nên em có thể tham gia xét tuyển lại. Điểm của em cao hơn điểm chuẩn đợt 1 thì có cơ hội trúng tuyển bổ sung nhưng em nên tăng cường thêm điểm học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên em cũng cần cân nhắc có nên xét lại không vì ngành kinh tế quốc tế cũng có những kiến thức gần gũi với quan hệ quốc tế", thạc sĩ Nguyên lưu ý.

Trong khi đó, Dương Thu Hà (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thắc mắc: "Em đã trúng tuyển sớm ngành luật kinh tế vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tuy nhiên do em thấy điểm thi cao nên em đã đăng ký bằng điểm thi vào một số trường khác và không đăng ký ngành đã trúng tuyển sớm của ĐH Nguyễn Tất Thành. Cuối cùng em không trúng tuyển bằng điểm thi do điểm chuẩn không ngờ lại tăng cao như vậy. Bây giờ em phải làm sao để được trúng tuyển vào ngành luật kinh tế của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành?”.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin hiện trường đang dành khoảng 500 chỉ tiêu cho xét tuyển bổ sung nên thí sinh hoàn toàn có thể nộp hồ sơ vào ngành luật kinh tế ở 3 phương thức xét điểm thi THPT, điểm học bạ và đánh giá năng lực.

"Theo đó, điểm nhận hồ sơ cho điểm thi tốt nghiệp là 15, điểm trung bình học bạ là 6, điểm đánh giá năng lực là 550 của ĐH Quốc gia TP.HCM và 70 của ĐH Quốc gia Hà Nội. Trúng tuyển đợt bổ sung, các em đều được hưởng mọi quyền lợi như thí sinh trúng tuyển đợt 1 với môi trường học tập, học phí, học bổng, bằng cấp... là như nhau", thạc sĩ Trị cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.