Dự thảo kết luận thanh tra sẽ được trình trong tháng 9 này
Liên quan đến việc tạm thu hồi 5 giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía nam, Bộ Công thương vừa thông tin: Ngày 15.2.2022, Bộ Công thương ban hành Quyết định thanh tra số 192 về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thực hiện quyết định nêu trên, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra các đơn vị và có báo cáo kết quả thanh tra, lập biên bản vi phạm hành chính với các đơn vị có hành vi vi phạm.
Theo ghi nhận, đa số cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM hôm nay (6.9) vẫn hoạt động bình thường, nguồn cung xăng đủ |
ngọc dương |
Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, đến ngày 31.8.2022, Chánh Thanh tra Bộ Công thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Ngoài hình thức xử phạt tiền đối với 18 đơn vị gồm các thương nhân đầu mối, công ty con, còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro).
Bộ Công thương cho biết: “Hiện Thanh tra Bộ đang tổng hợp xây dựng dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu để trình lãnh đạo Bộ và dự kiến việc trình dự thảo ngay trong tháng 9 năm 2022”.
Trao đổi với Thanh Niên, một số doanh nghiệp từng được thanh tra vẫn chưa nhận được quyết định xử phạt và lệnh “bàn giao giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho Thanh tra Bộ Công thương” đang được tiến hành. Trong thực tế, doanh nghiệp hoàn toàn không biết việc bị rút giấy phép này sẽ bao gồm đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh nhập khẩu, phân phối hay chỉ một mảng trong đó.
Lại lo ngại đứt gãy nguồn cung?
Đáng lưu ý, 5 doanh nghiệp bị rút giấy phép lần này đa số là doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn phía nam. Trong đó, có 2 doanh nghiệp nhà nước, đầu mối cung cấp xăng dầu cho hàng trăm thương nhân phân phối, nhượng quyền… từ đó, phân phối cho hàng ngàn cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, Saigon Petro hiện là một trong “ông lớn” xăng dầu phía mam khi chiếm thị phần khoảng 7%, có quy mô tổng tài sản là 4.273 tỉ đồng, doanh thu có thời điểm lên tới trên 10.000 tỉ đồng. Thị trường của doanh nghiệp này phủ tại TP.HCM và vươn xuống nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Nam Trung bộ.
Giá xăng được điều chỉnh giảm nhẹ từ 15 giờ chiều 5.9 (Ảnh chụp tại cây xăng ở TP.HCM chiều 5.9.2022) |
NGỌC DƯƠNG |
“Ông lớn” thứ 2 cũng là doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhà nước Petimex, tài sản hơn 7.700 tỉ đồng, nắm giữ hơn một nửa thị phần tại tỉnh Đồng Tháp và cung ứng hàng cho hàng nghìn cửa hàng bán lẻ. Ngoài Đồng Tháp, thị trường của Petimex cũng bao phủ tại nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ, tỉnh Đồng Nai (miền Đông Nam bộ) và Bình Thuận (miền Nam Trung bộ).
Saigon Petro cho biết, hiện Công ty có hệ thống kho cảng có tổng sức chứa 278.000 m3. Trong đó, tại kho cảng Cát Lái (TP.HMC) chưa được 245.000 m3, có 2 cầu cảng tiếp nhận được tàu trọng tải 32.000 DWT; kho Trà Nóc (Cần Thơ) chứa được 33.000 m3, cầu cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải 15.000 DWT. Từ đầu năm đến hết tháng 8.2022, sản lượng tiêu thụ toàn hệ thống khoảng 304.300m3 xăng dầu các loại.
Còn Petimex cũng có doanh nghiệp vận tải xăng dầu trực thuộc, có hàng chục sà lan, 5 kho chứa, sản lượng bình quân tiêu thụ là 75.000 m3/tháng.
3 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép còn lại, địa bàn hoạt động phân phối cho cửa hàng bán lẻ chủ yếu các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và cả TP.HCM.
Chiều 6.9, một số thương nhân đầu mối xăng dầu cho rằng, nếu “ông lớn” bị phạt, đột ngột ngưng cấp hàng sẽ khiến nhiều cây xăng trong khu vực bị đóng cửa, khiến người tiêu dùng gặp kho khi mua xăng dầu. Giải pháp “đẩy” qua cho các kênh phân phối khác, nếu sản lượng tăng đột biến, trong khi doanh nghiệp lại chưa kịp nhập hàng, nguy cơ thiếu hàng cục bộ, khan hàng… sẽ rất dễ xảy ra tại nhiều nơi ở khu vực phía nam.
Lo ngại thị trường xăng dầu biến động sau những quyết định xử phạt rút giấy phép doanh nghiệp đầu mối, thông tin từ Công ty xăng dầu khu vực II TNHH MTV (Petrolimex Saigon), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Phan Thị Thắng, đã có buổi làm việc với Công ty vào chiều 5.9. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu Petrolimex Sài Gòn chuẩn bị nguồn hàng nhằm đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong thời gian tới. Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu của Petrolimex Saigon có nhiệm vụ bình ổn, đảm bảo an ninh năng lượng tại địa bàn TP.HCM, là kênh phân phối trực tiếp của Petrolimex Sài Gòn. Tổng kho xăng dầu Nhà Bè trực thuộc doanh nghiệp hiện có tổng sức chứa hơn 730.000m3, nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo xuất cấp xăng dầu cho địa bàn các tỉnh thành phía Nam, đảm bảo xăng dầu dự trữ quốc gia…
Bà Thắng cũng đề nghị Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án đảm bảo việc cung ứng xăng dầu, giám sát hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cục Quản lý thị trường phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bình luận (0)