Đá xanh hóa di tích

17/08/2015 06:09 GMT+7

Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cảnh báo về việc các di tích dùng đá xanh để xây, lát ngày càng nhiều.

Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cảnh báo về việc các di tích dùng đá xanh để xây, lát ngày càng nhiều.

Cổng đá ở đền vua Đinh vua Lê (Ninh Bình) - Ảnh: Thế Trần
Cổng đá ở đền vua Đinh vua Lê (Ninh Bình) - Ảnh: Thế Trần
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, một trong những sáng lập viên của nhóm Đình làng Việt, nói: “Bây giờ, di tích bị đá hóa cũng nhiều đấy. Đa số họ dùng đá xanh lát sàn, xây các tam quan, bình phong”, ông Thế nói. “Ví dụ đình Bình Đà (Hà Nội) làm lại nghi môn bằng đá chẳng hạn”.
Một sáng lập viên khác của nhóm Đình làng Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, cũng đồng ý với ông Yên Thế. Trải dài những chuyến đi thực tế của nhóm, các ông đã tận mắt thấy nhiều di tích bỗng dưng bị “đá hóa”. “Đình Yên Nội (Quốc Oai, Hà Nội) đã bị đá hóa. Đình Đình Bảng (Bắc Ninh) cũng đá hóa như vậy. Nhiều lắm”, ông Bình nói.
Theo ông Yên Thế, việc đá xanh hóa các di tích này sẽ khiến tổng quan kiến trúc thay đổi rất nhiều. Quan trọng hơn, những chất liệu này chẳng liên quan đến di tích gốc. “Như đền vua Đinh vua Lê (Ninh Bình) mình nghiên cứu thì cổng tam quan ban đầu không phải bằng đá như thế. Cổng mới tuy đồ sộ nhưng chất cảm nó rất khác. Cảm nhận về độ ấm, độ xốp của bề mặt nó rất khác”, ông Thế phân tích.
Cũng theo ông Thế, chất liệu đá vốn không được sử dụng thường xuyên trong các kiến trúc truyền thống. Ngay trong một kiến trúc lớn, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, đá cũng không nhiều. “Vua chúa ngày xưa không phải không có đá. Nhưng dùng đá hay không còn do nhiều yếu tố, chẳng hạn đặc điểm vùng miền”.
Ông Thế cho rằng, việc thay đá vào nhiều di tích là sự nhầm lẫn “dương cơ” với “âm phần”. Theo đó, thường thì lăng tẩm, âm phần mới hay làm bằng đá. Cũng có những thành trì bằng đá như Thành nhà Hồ, tuy nhiên “thấy rõ ở di tích thời Nguyễn chẳng hạn, người ta sử dụng đá ở lăng mộ nhiều”, ông nói.
GS Trần Lâm Biền lưu ý: “Các cụ ngày xưa ít khi dùng đá trong các công trình kiến trúc. Đá được dùng khi liên quan đến tính thiêng chứ không dùng bừa bãi”. Có lẽ, điều này đúng với những bậc thềm rồng đá.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ, cũng cho rằng việc sử dụng đá trong các di tích kiến trúc bao giờ cũng có quy tắc chứ không phải thích thì cho thêm đá vào. “Bây giờ nếu muốn đưa đá vào thì phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý văn hóa. Phải được nhà quản lý đồng ý và nếu có thể cả nhà nghiên cứu nữa, khi muốn thay mới, thêm mới chất liệu đá vào các di tích kiến trúc. Có thế mới giữ được giá trị gốc của di tích”, ông Tín nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.