Đến với Shark Tank Việt Nam (mùa 7 tập 3) phát sóng tối 12.8, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc IPP Sachi Nguyễn Hữu Vinh và Trần Nhật Nhi - cổ đông IPP Sachi mang đến các sản phẩm bánh tráng đặc sản làm từ lúa gạo Bình Định, để mời gọi các shark.
Nguyễn Hữu Vinh tiết lộ, năm 2017, sau thời gian bôn ba anh trở về quê Bình Định lập nghiệp xây dựng thương hiệu bánh tráng gắn liền với cây lúa và cây dừa. Anh Vinh đã xây dựng nhà máy 20.000m2 với đầy đủ tiêu chuẩn có thể đáp ứng được xuất khẩu, đã đạt được chứng nhận FDA, ISO, OCOP 4 sao.
Trần Nhật Nhi nhận thấy tiềm năng của Sachi khi sản phẩm có mặt ở hầu hết các quán ăn, nhà hàng tại 7 tỉnh miền Trung nên IPP Group đã tiếp cận, đồng hành với startup của Hữu Vinh, cả hai cùng quyết định đổi tên thành IPP Sachi.
Nhờ lợi thế từng học cơ khí tự động hóa, sau đó học về kinh tế, Hữu Vinh tự nghiên cứu và thiết kế ra dây chuyền sản xuất bánh tráng. Không chỉ có sản phẩm tại hệ thống siêu thị trên toàn quốc, startup này cũng đã có đơn hàng xuất đi Mỹ, Canada, Đài Loan.
Nhờ có sự kết hợp bài bản của hai lãnh đạo tâm huyết nên IPP Sachi đạt ngay doanh số 24 tỉ đồng. Kế hoạch năm 2024 đề ra là phải đạt được 50 tỉ đồng, năm 2025 là 70 tỉ đồng và đến năm 2029 sẽ đạt 250 tỉ đồng.
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, Hữu Vinh và Nhật Nhi kêu gọi số vốn đầu tư 10 tỉ đồng cho 10% cổ phần IPP Sachi.
Kiểm tra trang web của startup, shark Minh thắc mắc cách startup quản lý chuỗi cung ứng khi nhiều sản phẩm hết hàng trên website. "Khi khách hàng họ vào trang web chính của mình mà họ thấy 40 - 50% mặt hàng đang hết hàng thì có vẻ là chúng ta đang gặp khó khăn trong việc đó đúng không?".
Nhật Nhi cho biết IPP Sachi bán hàng chủ yếu trên kênh MT và GT, bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 5% doanh số và chưa đầu tư nhân lực. Nữ cổ đông cũng cho biết rằng IPP Sachi có hệ thống nhà phân phối ở miền Trung, chiếm 60% doanh thu. Còn kênh MT mang lại 35% doanh thu là do IPP Group phụ trách bởi đây là thế mạnh của công ty này.
Shark Hưng phân tích rằng startup đang chưa định vị rõ ràng mình là ai trong chuỗi giá trị, là làm thương hiệu hay sản xuất. "Tôi nghĩ rất khó để có được một sự phát triển đột phá vì chúng ta không rõ nét, chúng ta làm chiến lược gai mít, đâu cũng là mũi nhọn cả", Shark Hưng nhận định và từ chối đầu tư.
Shark Minh Beta nhận định sản phẩm của startup ngon, có tính địa phương nhưng dễ bị cạnh tranh nên vị "cá mập" này là người tiếp theo từ chối thương vụ.
Shark Bình cũng từ chối đầu tư bởi thế mạnh cốt lõi của ông là D2C (bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng). Shark Phi Vân cho rằng startup nên tập trung vào bán hàng, nhất là bán hàng D2C bởi đây là kênh đang rất có nhiều tiềm năng. "Thực ra các bạn chỉ cần xây dựng năng lực cốt lõi về sale và marketing tốt hơn là các bạn hoàn toàn có thể phát triển rất tốt tại thị trường Việt Nam trước khi nói đến câu chuyện xuất khẩu", shark Phi Vân nói.
Tạo được sự ấn tượng với Phó chủ tịch Thái Hương và nhất là nhận thấy tâm huyết của startup đặc sản bánh tráng Bình Định, shark Thái đề nghị đầu tư 5 tỉ đổi lấy 10% cổ phần, 10 tỉ đồng còn lại là vốn vay trong thời hạn 1-2 năm nhưng sau khi bàn bạc, startup quyết định từ chối shark Thái. Cả hai từ chối 15 tỉ đồng của shark Thái khiến thương vụ không thành công, khép lại màn gọi vốn đầy kịch tính, khiến nhiều khán giả truyền hình ngẩn ngơ tiếc nuối.
Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 3 còn chào đón các startup gồm: Mô hình sản xuất thời trang thể thao Riki Sport; Công nghệ đo dinh dưỡng đất Enfarm; Tương ớt lên men không qua gia nhiệt Chilica.
Riki Sport lên gọi vốn 15 tỉ đồng cho 10% cổ phần công ty để có thể bùng nổ doanh thu và đưa thương hiệu Riki Sport đi xa hơn nữa, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nên startup cần có các shark đồng hành. Tuy nhiên, Shark Minh Beta nêu quan điểm: "Băn khoăn lớn nhất của anh là liệu mình có thực sự scale up (mở rộng, phát triển) được lên không kể cả là có tiền, do anh không thấy con đường để doanh nghiệp của mình có thể phát triển lớn mạnh được nên anh không đầu tư". Còn Shark Bình hoàn toàn tâm đầu ý hợp nên sửa deal thành 15 tỉ cho 15% cổ phần kèm yêu cầu startup dành 1/3 tâm sức để phát triển kênh D2C nên Riki Sport chốt nhận deal từ shark Bình.
Còn Công nghệ đo dinh dưỡng đất Enfarm thì với hơn 15 tỉ đầu tư ban đầu, sau hai năm phát triển đã bán thử nghiệm sau tết 2024. Tính đến thời điểm lên Shark Tank gọi vốn, startup đã bán được 500 điểm cảm biến, thu khoảng 1,5 tỉ. Shark Bình nhận xét startup lên Shark Tank hơi sớm, chưa có nhiều số liệu kinh doanh thuyết phục nên ông từ chối đầu tư. Shark Minh Beta cũng từ chối khi doanh số của startup còn ít, chưa chứng minh được hiệu quả.
Với thế mạnh sản xuất sản phẩm tương ớt lên men có hương vị tươi ngon, startup Chilica được các shark tấm tắc khen ngợi. Shark Bình và shark Hưng còn liên tục điều chỉnh đề nghị đầu tư. Tuy nhiên, thương vụ khép lại mà Chilica chưa có được "cái bắt tay" nào với các shark tại Shark Tank mùa 7.
Bình luận (0)