Cận tết, mực khô Bình Minh (H.Thăng Bình) - loại đặc sản nổi tiếng thơm ngon của miền biển Quảng Nam - được nhiều người tiêu dùng tìm mua nên hầu hết các hộ chế biến không còn hàng để bán.
Mực khô Bình Minh đắt khách vào dịp tết - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Thấy chúng tôi dừng xe trước ngõ, ông Trương Công Thuấn, chủ cơ sở chế biến hải sản tại tổ 8, thôn Hà Bình (xã Bình Minh), hỏi ngay: “Các anh tìm mua mực khô phải không. Vài ký thì có chứ nhiều hơn thì chịu”. Ông Thuấn cho biết, để phục vụ tết, gia đình ông đã trữ khoảng 7 tạ mực khô loại 1 từ giữa năm. Nhưng đến những ngày này, nguồn hàng đã cạn kiệt vì nhu cầu tăng đột biến. Bởi mực khô rất thích hợp để làm đồ nhắm, đãi khách hoặc làm quà biếu người quen trong 3 ngày tết.
Những ngày cuối năm biển động, mực tươi rất khan hiếm. Hiện mực mua ngay tại tàu có giá đến 250.000 đồng/kg. Để có mực khô bán ra dịp tết, trong năm vào thời điểm khai thác rộ (từ tháng 5 đến tháng 7), ông Thuấn phải thu mua hàng tấn mực tươi của ngư dân địa phương và các huyện lân cận với mức giá “mềm” hơn, khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg. Sau khi mua mực về, ông cho tất cả vào kho lạnh, chờ làm dần. Nếu đủ nắng thì chỉ cần 3 ngày là mực khô, đảm bảo có thể bảo quản lâu dài.
“So với những vùng khác, con mực của biển Bình Minh thường ngọt, dai hơn do sống trong vùng biển ít cửa sông. Hải sản sống trong môi trường nước biển không bị “pha chế”, mặn quanh năm thường ngon hơn những vùng nhiều cửa sông”, ông Thuấn lý giải sự đặc biệt của mực khô Bình Minh. Theo ông Thuấn, trên thị trường mực khô được bày bán nhiều nhưng để có được loại mực như ở Bình Minh thì rất hiếm. Chính vì vậy mà nhiều người thường đặt hàng để làm quà biếu khắp các tỉnh trong nam, ngoài bắc vào dịp tết.
Tùy theo kích cỡ mà mực khô được bán với nhiều loại giá khác nhau. Mực loại 1 thường có độ dài khoảng 30 cm, rộng khoảng 20 cm được ông Thuấn bán giá 550.000 - 600.000 đồng/kg. Xếp sau đó là mực khô loại 2, loại 3… với kích cỡ nhỏ hơn, được bán với giá từ 480.000 đồng/kg xuống đến 300.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, trung bình mỗi ki lô gam mực khô ông Thuấn lãi khoảng 50.000 - 70.000 đồng. “Nhiều đơn vị, cơ quan tìm đến đặt hàng tôi cả tạ mực để làm quà tết cho nhân viên, nhưng hết hàng rồi”, ông Thuấn nói.
Ông cho biết thêm, sau khi phơi khô mực, cách bảo quản tốt nhất là vẫn để vào kho đông lạnh nhằm cách ly vi khuẩn trong môi trường. Người dùng khi mua về cũng nên cho mực vào tủ lạnh để dùng dần, bởi nếu để ra ngoài, mực khô sẽ dễ bị ẩm mốc và vơi mất hương vị.
Theo ông Trương Công Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, tại địa phương có khoảng 10 cơ sở chế biến và thu mua mực khô, trong đó cơ sở của ông Thuấn là lớn nhất. Để phục vụ tết, các cơ sở như Trần Thị Hiền, Nguyễn Thị Xê, Võ Thị Đồng... trữ 3 - 4 tạ mực khô và đã bán gần hết hàng.
Bình luận (0)