Sản vật Tây Bắc ngược đường vào Nam
|
Một gói thịt trâu gác bếp nặng nửa ký có giá 500.000 đồng, bánh khẩu xén của người Tây Bắc được người bán giới thiệu gần giống bánh phồng tôm miền Nam có giá 50.000 đồng/gói, nấm khô Sa Pa 250.000 đồng/nửa ký, cam Hàm Yên (Tuyên Quang) vỏ vàng giá 65.000 đồng/kg. Đặc biệt, món gia vị chẩm chéo được giải thích “gia vị gia truyền” dùng cho các món nướng của người Thái có giá 50.000 đồng/hũ khá đắt hàng dù… không ít người mua khi chưa biết gia vị này dùng cho món gì.
Không thể thiếu trong dịp tết là gạo nếp. Vì thế, đặc sản gạo nếp vùng miền mà nhiều người tiêu dùng ở TP.HCM lần đầu tiên nghe nói đến, cũng có mặt. Nhiều sản phẩm quen thuộc như nấm, đậu phộng, hạt điều lại được nhiều cơ sở “chế biến” ra nhiều sản phẩm khá phong phú. Tôm rừng Cà Mau phơi khô giá 200.000 đồng/150 gr (1,3 triệu đồng/kg), mắc ca Lâm Đồng 170.000 đồng/500 gr, hồng treo gió Đà Lạt 320.000 đồng/kg, đậu phộng gấc mật rừng 70.000 đồng/hũ 250 gr, nho khô Ninh Thuận 300.000 đồng/kg…
|
Không chỉ tại phiên chợ Tết Xanh quà Việt, khu vực quanh chợ An Đông cũng chào bán nhiều đặc sản từ miền Tây đưa lên với lời giới thiệu: “Mứt dừa non má làm, bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh) ngoại gói”. Đặc biệt món mứt dừa ngũ sắc chế biến tại chỗ được giới thiệu là dùng màu tự nhiên (củ dền, lá dứa, quả gấc…) bán tại cơ sở trên đường Trần Phú giá 200.000 đồng/kg được nhiều người ghé đặt hàng.
tin liên quan
Độc lạ lúa tím, dưa tím ở miền Tây chờ ra chợ TếtKhu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất cũng nhộp nhịp đủ loại hàng đặc sản “độc lạ” phục vụ 3 ngày tết từ Bắc vào. Đặc biệt, món lạp sườn - đặc sản của đồng bào dân tộc Tày Nùng vùng Lào Cai hay Cao Bằng cũng góp mặt.
|
Siêu độc = siêu đắt
Không chỉ thực phẩm “độc lạ” bán tại các phiên chợ tết, hàng tết vùng miền được bán trên mạng khá phong phú. Một ký khô bò Lào gác bếp được rao “tinh hoa ẩm thực nhập từ Lào” bán lẻ tại Hà Nội 800.000 đồng/kg (lấy sỉ từ 10 kg giá 720.000 đồng/kg). Người bán khẳng định là: “Hàng nhập khẩu từ Lào 100%, không có chuyện lấy thịt lợn chết mà “hô biến” thành thịt trâu dân tộc gác bếp như trường hợp mới bị phạt hiện tại Hà Nội đâu”. Với các loại hạt, ngoài những loại hạt mắc ca, dẻ cười, óc chó... năm nay khá nhiều người tiêu dùng “sành điệu” săn lùng hạt konia của Đắk Lắk. Nguyễn Hoàng Cẩm Nhung - nhân viên kiểm toán công ty nghiên cứu thị trường (Q.1, TP.HCM), cho biết loại hạt này rang với muối, nhìn qua gần giống hạt dẻ nhưng ăn thơm và béo hơn. “Tôi đặt mua trên Buôn Ma Thuột giá khoảng 120.000 đồng/kg, phí vận chuyển về TP.HCM thêm 50.000 đồng/kg nữa, vẫn rẻ và ngon hơn so với hạt dẻ Thái giá 180.000 đồng/kg”.
|
Tết cũng là thời điểm nhiều người săn tìm bằng được hàng “siêu độc” để dùng hoặc biếu. Theo đó, hàng siêu độc thường đồng nghĩa với siêu đắt. Ông P.V.V, chủ công ty chuyên nhập khẩu và phân phối bánh rượu tại Q.3, TP.HCM cho hay, ông vừa mua được con gà Đông Tảo “khá có mã” biếu bạn ngoài Bắc với giá 9 triệu đồng. “Có con xấu mã hơn, giá 6 triệu đồng nhưng mỗi năm có một lần, biếu thì phải biếu loại “tốt mã” chút, nên tôi chốt hạ 9 triệu đồng cho một con gà Đông Tảo” ông V. kể và dặn thêm: “Kể vui thôi, không nên nêu tên lên báo nhá”.
Nhà vườn ở Cần Thơ cũng đưa lên TP.HCM món bưởi xanh vuông có 4 mặt chữ “tài - lộc - phúc - thọ” giá 1,8 triệu đồng/cặp, bộ 3 quả dừa hình hồ lô nổi chữ “phúc - lộc - thọ” giá 1,2 triệu đồng. Tại Cần Thơ, ông Trần Thanh Liêm đã làm thành công 350 cặp dưa hấu hình thỏi vàng và hình xe hơi với giá 3,5 triệu đồng/cặp. Theo ông Liêm, đa số hàng loại “sang chảnh” này đều làm theo đơn đặt hàng, chủ yếu dùng biếu tặng bởi giá khá cao và khi nhà vườn “nhận đơn hàng” phải bằng mọi giá có hàng. Theo khảo sát của chúng tôi, những loại trái cây được uốn nắn theo các hình khắc chữ nổi “tài - lộc”, “phước - lộc - thọ” giá từ 1,2 - 2,4 triệu đồng/cặp.
Lạ nhưng phải an toàn
Bà Hoàng Mai, chủ spa trên đường Điện Biên Phủ (Q.1, TP.HCM), đang mua thùng nước mắm Thuyền Xưa tại phiên chợ tết Xanh quà Việt cho biết: “Thực phẩm lạ nhưng phải an toàn. An toàn là tiêu chí quan trọng hàng đầu chứ hàng độc, lạ, đắt, rẻ không đáng quan tâm. Ngày thường, chúng tôi chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm bao nhiêu, thì ngày tết càng đặc biệt chú trọng bấy nhiêu. Bởi hàng tết vô cùng đa dạng, nhất là các đặc sản vùng miền bán tràn lan trên mạng, không biết thật giả thế nào, nên không dám mua, ngoại trừ mua của người quen. Thế nên, tìm đến phiên chợ này, tôi hy vọng có hàng lạ mà an toàn”.
|
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở chả Quang Hậu, cho hay đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích hàng ngon, lạ... đã không ít người đang tâm “treo đầu dê bán thịt chó” với người tiêu dùng. Dẫn câu chuyện mà đài truyền hình mới phanh phui một vụ mua thịt heo chết tẩm ướp làm thành thịt trâu, bò gác bếp Lào Cai ở Hà Nội mới đây, ông Hậu nói họ làm giả hàng vùng cao ngay bên hông cơ quan quản lý. Đã có 4 tạ thịt heo chết như vậy được “hô biến” thành bò gác bếp bán liên tục trong mấy tháng qua, nhưng cơ quan quản lý không biết. Điều này rất đáng lo ngại.
Trong lễ tổng kết của Cục Quản lý thị trường TP.HCM vào cuối tuần qua, đại diện các đội quản lý thị trường các quận huyện cũng cảnh báo, rất nhiều thực phẩm lạ, giả được tuồn vào thị trường dưới mác “hàng xách tay”, “hàng nhà làm”, không xuất xứ, không công bố chất lượng, không tem, không nhãn mác... Người tiêu dùng cần hết sức chú ý để tránh bị mua nhầm, ảnh hưởng sức khỏe người thân trong gia đình.
Bình luận (0)