Đặc sản Tây Bắc gọi vốn thành công khi 'chốt đơn' cùng 2 shark

16/01/2024 08:49 GMT+7

Shark Tank Việt Nam tập 16 chào đón Huho - một thương hiệu đặc sản Tây Bắc là thịt trâu gác bếp “nổi đình đám” trên TikTok, với đại diện là nhà sáng lập Hoàng Chung Học và Ngọc Huyền, đã nhận được cái gật đầu từ shark Bình và shark Hưng.

Chung Học cho biết khi tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 6 rằng, đặc sản Tây Bắc Huho chính thức bán hàng từ tháng 5.2022 thông qua livestream trên TikTok và các sàn thương mại điện tử.

Sau 5 tháng, doanh số của Huho tăng trưởng gấp 10 lần, đạt 15 tỉ đồng. Tháng cao điểm nhất năm 2022 đạt doanh số 1 triệu USD. Tổng doanh số cả năm 2022 đạt 60 tỉ đồng với lợi nhuận ròng sau thuế là 20%. Đến hết tháng 10.2023, Huho đã đạt doanh số 70 tỉ đồng và hết năm 2023 thu về 150 tỉ đồng.

 Đặc sản Tây Bắc thịt trâu gác bếp 'chốt đơn' với shark Bình và shark Hưng- Ảnh 2.

Đặc sản Tây Bắc Huho chính thức bán hàng từ tháng 5.2022 thông qua livestream trên TikTok và các sàn thương mại điện tử

 Đặc sản Tây Bắc thịt trâu gác bếp 'chốt đơn' với shark Bình và shark Hưng- Ảnh 3.

Shark Hùng Anh cho biết cũng rất thích đặc sản Tây Bắc vì độc, lạ

Shark Tank Việt Nam

Dự kiến năm 2024, thương hiệu này sẽ tăng trưởng 53%, đạt doanh số 230 tỉ đồng.

Chung Học cho biết mức kêu gọi đầu tư 12 tỉ đồng đổi lấy 8% cổ phần là định giá thấp và phù hợp, thể hiện mong muốn có các shark cùng đồng hành với startup. Anh cũng thừa nhận mình có 6 năm kinh doanh nhưng hầu như chưa có kinh nghiệm bán trực tiếp.

Trong khi đó, kế hoạch phát triển từ năm 2024 của Huho là sẽ đi vào hệ thống phân phối. “Em muốn các shark đồng hành để có người định hướng phát triển cũng như kinh nghiệm mà bọn em chưa có, chứ thực sự công ty không thiếu vốn”, Chung Học nói.

Bên cạnh đó, Chung Học cũng cho biết đồng sáng lập Ngọc Huyền quê ở Lào Cai và mong muốn khi khởi nghiệp là phát triển sản phẩm của quê hương để tạo nhiều công ăn việc làm cũng như lan tỏa bản sắc dân tộc đến nhiều người hơn.

Đánh giá sản phẩm của Huho thú vị nhưng chưa thấy được khả năng tồn tại bền vững trên thị trường nên shark Minh Beta đã từ chối đầu tư. Shark Tuệ Lâm và shark Hùng Anh cũng quyết định... quay xe.

Ấn tượng với hướng kinh doanh “mang hương vị vùng miền đi khắp thế gian” bằng cách hiện đại nhưng những con số mà Huho đưa ra khiến shark Bình không khỏi “sững sờ, ngơ ngác, bật ngửa vì số liệu kinh doanh quá tốt”. Chủ tịch NextTech đặt câu hỏi tìm hiểu về động cơ, mục đích đến Shark Tank gọi vốn của Huho.

 Đặc sản Tây Bắc thịt trâu gác bếp 'chốt đơn' với shark Bình và shark Hưng- Ảnh 4.

Giám đốc Hoàng Chung Học (phải) cùng đồng sáng lập Ngọc Huyền

“Sau khi nhận deal thì giả vờ rất phối hợp hợp tác nhưng khi các shark yêu cầu gửi số liệu thì hoãn binh bằng rất nhiều phương pháp, chậm gửi số liệu hoặc gửi nhỏ giọt cho đến lúc nào chương trình phát sóng. Phát sóng xong các bạn sẽ lấy lý do rằng ôi đơn hàng của em tăng vọt nhiều quá, em chưa có thời gian để phối hợp thẩm định với các shark. Sau đó bắt đầu đưa ra rất nhiều lý do để làm cho các shark nản và các shark tự bỏ cuộc. Vậy là các startup đó tận hưởng trọn vẹn hiệu ứng tăng trưởng từ chương trình Shark Tank, sau đó thì các shark rơi vào trạng thái... ớ ờ. Đấy là cái lo ngại lớn nhất của tôi - vấn đề uy tín của các startup”, shark Bình nêu vấn đề.

Dành thời gian hội ý, Chung Học đề nghị hai shark đầu tư 25 tỉ đồng cho 20% cổ phần. Thể hiện mong muốn có các shark đồng hành một cách chân thành, Ngọc Huyền cũng tiết lộ điều mà “cả công ty chưa ai biết ngoài người sáng lập” là khi bán đơn hàng đầu tiên cũng là lúc mà gia đình phá sản. Chị khẳng định khi đã đặt tâm huyết vào sản phẩm thì sẽ tìm cách “đưa sản phẩm đi cao, đi xa”.

 Đặc sản Tây Bắc thịt trâu gác bếp 'chốt đơn' với shark Bình và shark Hưng- Ảnh 6.

Dành thời gian hội ý, Chung Học đề nghị hai shark đầu tư 25 tỉ đồng cho 20% cổ phần

Cuối cùng, shark Hưng đề nghị đầu tư 12 tỉ đồng đổi lấy 18% cổ phần, shark Bình đưa ra phương án khác là cả 2 shark cùng đầu tư với số tiền 20 tỉ đồng đổi lấy 30% cổ phần.

Một lần nữa, để thử thách sự nghiêm túc khi đến Shark Tank gọi vốn của startup, shark Bình nêu vấn đề: “Nếu số liệu của các bạn đúng như các bạn đã chia sẻ trên sóng thì chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư. Nếu sau này deal không thành, chắc chắn chỉ rơi vào 2 khả năng: thứ nhất, những gì bạn cung cấp là không đúng, khả năng thứ hai là các bạn cố tình bùng deal”.

Về phía shark Hưng, ông yêu cầu tiến hành thẩm định doanh nghiệp và ký hợp đồng trước khi phát sóng, "nếu deal không thành công thì sẽ đề nghị nhà sản xuất không phát sóng phần thi của các bạn”, ông nói.

Giám đốc Hoàng Chung Học cùng đồng sáng lập Ngọc Huyền của đặc sản Tây Bắc thịt trâu gác bếp đã đồng ý "chốt đơn" cùng shark Bình, shark Hưng với con số 25 tỉ đồng cho 20% cổ phần và có màn gọi vốn thành công như mong đợi.

Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 16 còn chào đón màn gọi vốn đầy hào hứng của 2 startup khác trong lĩnh vực ẩm thực: Phúc Hội Thành – doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ready-to-eat như món ăn cấp đông siêu tốc, cà phê đóng chai; Savor Cake – Cloud kitchen - sản xuất và giao bánh sinh nhật.

Sau khi thương thảo, shark Hùng Anh đã đồng ý đề nghị của startup là 5 tỉ đổi lấy 18% cổ phần và 5 tỉ còn lại là khoản vay. Thương vụ gọi vốn của Phúc Hội Thành khép lại với kỳ vọng phát triển thương hiệu H’Thanh, “chờ thời” kích hoạt lại hoạt động kinh doanh các sản phẩm nếp quýt vàng.

Còn với Savor Cake, thương hiệu này đã đạt thỏa thuận với shark Hùng Anh: đầu tư 3 tỉ đồng cho 17% cổ phần và startup có thể mua lại 2% cổ phần nếu đạt KPI, khép lại thành công thương vụ cuối cùng của Shark Tank Việt Nam mùa 6.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.