Đặc sứ Triều Tiên thăm Nhà Trắng

02/06/2018 07:34 GMT+7

Từng bị liệt vào “danh sách đen” của Mỹ nhưng ông Kim Yong-chol lại trở thành quan chức Triều Tiên cấp cao nhất đến thăm Nhà Trắng kể từ năm 2000.

Ngày 1.6 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tiếp ông Kim Yong-chol, Phó chủ tịch Ban Chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên kiêm Trưởng ban Mặt trận thống nhất, tại Nhà Trắng. Theo Reuters, ông Kim Yong-chol sẽ trao bức thư của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gửi Tổng thống Trump, nhưng hiện chưa rõ nội dung thư. Quan chức này cũng là nhân vật cao cấp nhất từ Bình Nhưỡng đặt chân đến Nhà Trắng kể từ năm 2000, khi Tổng thống Bill Clinton gặp Phó nguyên soái Jo Myong-rok.
tr
Một điểm đặc biệt khác là trước đó, ông Kim Yong-chol cần phải có giấy phép đặc biệt mới có thể sang thăm Mỹ vì ông nằm trong danh sách trừng phạt của chính quyền Washington. Theo Reuters,ông Kim bị Hàn Quốc cáo buộc đứng sau vụ chìm tàu chiến Cheonan khiến 46 thủy thủ thiệt mạng và vụ nã pháo vào đảo tiền tiêu của nước này hồi năm 2010. Ông còn bị giới tình báo Mỹ nghi ngờ liên quan đến vụ tấn công mạng nhắm vào Công ty Sony Pictures hồi năm 2014. Đến nay, Bình Nhưỡng vẫn cương quyết bác bỏ mọi cáo buộc.
Trước khi gặp ông Kim Yong-chol, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng có thể tiến hành cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12.6 để thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng cũng thừa nhận: “Tôi muốn thấy việc này được giải quyết rốt ráo trong một cuộc gặp, nhưng thường không suôn sẻ như vậy. Có khả năng không thể xong trong 1, 2 hoặc 3 cuộc họp mà nhiều khi phải cần thời gian”. Tương tự, sau khi hội đàm với ông Kim Yong-chol ở New York trong 2 ngày 30 - 31.5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay hai bên đã có nhiều “bước tiến thật sự” và “đang đi đúng hướng”, nhưng cảnh báo không nên kỳ vọng về một giải pháp nhanh chóng. Tờ The New York Times hôm qua dẫn lời nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng Siegfried Hecker tại Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng phải mất khoảng 15 năm mới có thể giải giới hoàn toàn chương trình hạt nhân của Triều Tiên theo lộ trình không thể đảo ngược.
Cũng trong ngày 1.6, KCNA dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh ý chí “không thay đổi, nhất quán và kiên định” của Bình Nhưỡng đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ông còn bày tỏ hy vọng quá trình này cũng như các vấn đề trong quan hệ với Mỹ sẽ được giải quyết “trên cơ sở từng giai đoạn”. Cùng ngày, Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức cuộc gặp cấp cao tại Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự liên Triều và hai bên nhất trí tổ chức đối thoại quân sự cấp tướng vào ngày 14.6, theo Yonhap. Hai bên cũng đồng ý mở văn phòng liên lạc tại thành phố biên giới Kaesong thuộc miền Bắc càng sớm càng tốt nhằm thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm được lãnh đạo Hàn - Triều ký kết hôm 27.4. Phía Triều Tiên còn đề xuất tổ chức các sự kiện chung tại Hàn Quốc nhằm kỷ niệm hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Kim Jong-il, diễn ra tại Bình Nhưỡng hồi tháng 6.2000.
Mỹ điều 14 chiến đấu cơ F-22 đến Nhật
Theo tờ Sankei Shimbun, Mỹ vừa triển khai 12 chiến đấu cơ tàng hình F-22 tới đóng trú tạm thời tại căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản trong một tháng và sẽ sớm triển khai thêm 2 chiếc nữa. Đây là lần đầu tiên Mỹ điều F-22 tới Okinawa trong gần 4 năm qua. Một sĩ quan Mỹ tiết lộ với Đài NHK động thái này nhằm “chuẩn bị sẵn sàng” cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, dự kiến diễn ra ở Singapore ngày 12.6. Còn theo tờ Chosun Ilbo, mục đích của Mỹ dường như nhằm gây sức ép quân sự lên Triều Tiên trong trường hợp các cuộc đàm phán đang diễn ra thất bại, dẫn đến đổ vỡ hội nghị thượng đỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.