Ông Thưởng cho rằng các chính sách đột phá dành cho TP.HCM sắp tới cần thực chất để áp dụng vào thực tiễn, chứ không phải là văn bản mang tính tư tưởng chính trị, động viên.
Chính sách đặc thù với mục tiêu tạo đột phá cho một địa phương phát triển thường cao hơn, thậm chí vượt khuôn khổ pháp luật áp dụng chung cho cả nước. TP.HCM là siêu đô thị, hiện có khoảng 13 triệu dân, thì chính sách không thể giống như một tỉnh vùng núi chưa tới 1 triệu dân. T.Ư thấy bất cập đó và cho phép thí điểm các chính sách mới phù hợp điều kiện thực tiễn, giúp TP.HCM bứt phá, phát huy vị thế đầu tàu, kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ hơn...
Thực tiễn 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã nảy sinh nhiều vấn đề không thể lường trước, khi phát sinh lại không được tháo gỡ kịp thời, nên hiệu quả không cao. Điển hình là khi gặp khó khăn buộc địa phương phải xin hướng dẫn nhưng không ít bộ, ngành lại "đá trách nhiệm" qua đơn vị khác, hoặc trả lời chung chung "làm theo quy định pháp luật". Cách hành xử đó không khỏi khiến địa phương được áp dụng "chính sách đặc thù" nản lòng.
Hiện không chỉ TP.HCM mà hàng loạt tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa..., thậm chí cấp huyện như TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng được Quốc hội cho thí điểm nhiều chính sách đặc thù. Vì thế, để chính sách đặc thù thực sự phát huy giá trị, tạo chuyển biến và mang lại kết quả cụ thể, bên cạnh nỗ lực của địa phương rất cần sự đồng lòng hỗ trợ thực chất của các bộ, ngành. Khi đó, cá nhân hay cơ quan nào tiếp tục dửng dưng, đứng ngoài cuộc cũng cần bị xử lý trách nhiệm, để không còn câu "một số ban, bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời" dẫn đến một số chủ trương thực hiện chậm hoặc chưa đầy đủ… khi tổng kết nghị quyết.
Bình luận (0)