Giữ vai trò quan trọng trong sai phạm của Phòng tàu sông nhưng bị cáo Đỗ Trung Học (cựu trưởng phòng) đã bỏ trốn. Qua xác minh, bị cáo Học đã xuất cảnh ra nước ngoài trước thời điểm khởi tố bị can nên Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã.
Theo HĐXX, bị cáo Học bỏ trốn nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác, có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Việc đưa bị cáo Học ra xét xử vắng mặt theo truy tố của VKS là đúng quy định pháp luật.
Theo cáo buộc của VKS, bị cáo Học đã nhận hối lộ hơn 2,8 tỉ đồng từ bị cáo Nguyễn Xuân Hào (cựu đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An) để cấp thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu tại Long An hoạt động trái luật.
Khai tại tòa về việc môi giới cho chủ 38 cơ sở đóng tàu hối lộ bị cáo Hào, bị cáo Phạm Hoài Hà (cựu Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An) cho rằng, các xưởng có khoảng 2.000 công nhân làm việc, nếu không được cấp thông báo kịp thời, công nhân sẽ bị mất việc làm. "Lúc đó bị cáo nghĩ việc giới thiệu bị cáo Hào để hướng dẫn các xưởng làm hồ sơ, không nghĩ hành vi của mình đã phạm tội", bị cáo Hà trần tình.
Đại án đăng kiểm: Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà phủ nhận trách nhiệm ‘nhận hối lộ' 40 tỉ
Trong ngày, HĐXX dành thời gian xét hỏi nhóm bị cáo liên quan đến hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị kiểm định. Theo hồ sơ vụ án, cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) sử dụng 340 dây chuyền kiểm định do 4 công ty cung cấp. Trong đó, Công ty TNHH Việt Nét (Công ty Việt Nét) cung cấp 125 dây chuyền kiểm định nhãn hiệu Beissbarth.
Theo kết quả điều tra, để được cung cấp dây chuyền kiểm định, từ năm 2015 - 2020, bị cáo Trần Thị Miên Thủy (cựu Giám đốc Công ty Việt Nét) chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ hơn 440 triệu đồng cho các lãnh đạo của 40 TTĐK thuộc 26 tỉnh, thành phố để được cung cấp dây chuyền kiểm định, trang thiết bị nâng cấp dây chuyền kiểm định.
Bị cáo Thủy còn khai đã đưa hơn 9,8 tỉ đồng cho lãnh đạo các TTĐK. Tuy nhiên, ngoài lời khai này, CQĐT không thu được bất kỳ tài liệu, chứng cứ khác; các lãnh đạo trung tâm cũng không thừa nhận việc nhận tiền. Do đó, CQĐT xét thấy chưa đủ cơ sở để xem xét.
Đối với sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị kiểm định tại Cục Đăng kiểm VN liên quan Công ty Việt Nét, đến nay chưa có kết quả định giá các dây chuyền, thiết bị kiểm định để xác định thiệt hại. Do đó, CQĐT tách hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng để tiếp tục xác minh nhằm xử lý theo quy định.
Như vậy, sau 9 ngày xét xử sơ thẩm, phiên tòa đã kết thúc phần thẩm vấn đối với 247/254 bị cáo (7 bị cáo xét xử vắng mặt) tại Cục Đăng kiểm VN, các chi cục đăng kiểm, 11 TTĐK tại TP.HCM và 3 TTĐK tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng. Theo thông báo của HĐXX, phiên tòa sẽ tạm dừng, ngày 6.8 sẽ bắt đầu lại với phần luận tội của đại diện VKS.
Bình luận (0)