'Đại án' đăng kiểm: Quy ước đèn hiệu và chiêu trò ép đưa hối lộ

30/07/2024 06:19 GMT+7

Ngày 29.7, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác tiếp tục phần xét hỏi.

Bật đèn ra hiệu chủ xe có bỏ tiền

Trong nội dung thẩm vấn sáng 29.7, bị cáo Nguyễn Đình Quân (cựu Giám đốc Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 50-05V) thừa nhận để có tiền hối lộ cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN và tăng thêm thu nhập cho các nhân viên, bị cáo đã đưa ra chủ trương cho phép các đăng kiểm viên ở Cơ sở An Phú Đông và Chi nhánh Hồng Hà nhận hối lộ của chủ phương tiện.

[Các bị cáo tại TTĐK 50-05V, 50-06V tại phiên tòa ngày 29.7]_[NHẬT THỊNH].jpg

Các bị cáo tại TTĐK 50-05V, 50-06V tại phiên tòa ngày 29.7

NHẬT THỊNH

Theo phân công, đăng kiểm viên phụ trách công đoạn 1 sẽ lên cabin xe kiểm tra xem chủ xe có bỏ tiền vào vị trí như cần gạt số, hộc đựng đồ trên cabin xe, trong bao thuốc lá để trên cabin... Nếu có, các đăng kiểm viên sẽ bật đèn ra hiệu cho nhau biết để quá trình kiểm định bỏ qua lỗi của phương tiện.

Trường hợp trên xe không có tiền, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi, in phiếu kiểm định lần 1 "không đạt" và yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2. Vì vậy, các chủ phương tiện buộc phải liên hệ lại với đăng kiểm viên để đưa hối lộ từ 150.000 - 500.000 đồng.

Tiền hối lộ nhận được, trưởng chuyền (người phụ trách dây chuyền kiểm định) tổng hợp đến cuối ngày rồi chia theo tỷ lệ quy định. Theo kết quả điều tra, từ năm 2014 - tháng 11.2022, TTĐK 50-05V đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện gần 40 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đình Quân được chia 2,4 tỉ đồng. Sau đó, Quân đem hối lộ cho bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN (thời gian từ tháng 1.2014 - 7.2021) hơn 1,4 tỉ đồng và bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, thời gian từ tháng 8.2021 - 12.2022) hơn 180 triệu đồng.

Trong phiên tòa buổi chiều, bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Giám đốc TTĐK 50-06V) khai bản thân nghiêm cấm việc nhân viên nhận hối lộ, bỏ qua lỗi đăng kiểm không đạt và chỉ cho phép nhận tiền sau khi xe đăng kiểm đạt. Trước lời khai này của bị cáo Long, chủ tọa Huỳnh Văn Trực chất vấn: "Xe không có lỗi gì hết thì sao người ta đưa tiền? Điều này chứng tỏ bị cáo tại tòa khai báo không thành khẩn".

"Mật hiệu" đưa tiền cho cựu Cục trưởng Đăng kiểm VN

Cáo trạng thể hiện theo quy ước ngầm của TTĐK 50-06V, đối với xe dưới 9 - 16 chỗ sẽ có giá là 150.000 đồng; từ 16 - 45 chỗ và xe tải dưới 5 tấn là 200.000 đồng; xe tải từ 5 tấn, xe đầu kéo là 300.000 đồng/lần kiểm định. Khi có xe vào đăng kiểm, đăng kiểm viên lên cabin kiểm tra nếu xe có để tiền thì sẽ bật đèn chiếu sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm. Nếu trên xe không có tiền hối lộ thì để đèn cảnh báo nguy hiểm.

Vì vậy, muốn quá trình kiểm định đạt, hầu hết chủ phương tiện phải đưa hối lộ cho các đăng kiểm viên. Tính từ tháng 8.2016 - 5.2022, TTĐK 50-06V đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện hơn 16 tỉ đồng. Riêng bị cáo Long được hưởng lợi gần 1,1 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo Long còn thay mặt trung tâm hối lộ bị cáo Trần Kỳ Hình hơn 250 triệu đồng. Đối với bị cáo Đặng Việt Hà, từ tháng 5.2022, khi bị cáo Long ra Hà Nội họp sẽ đổi tiền đồng sang tiền USD, bỏ vào phong bì ghi dòng chữ "5006V", rồi đưa cho bị cáo Hà. Tổng số tiền mà bị cáo Long hối lộ bị cáo Hà là 234 triệu đồng.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm 254 bị cáo liên quan dự kiến kéo dài trong 3 tháng, từ ngày 18.7 - 18.10. Sau 1 tuần xét xử sơ thẩm, HĐXX đã thẩm vấn hơn 109/254 bị cáo liên quan sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN, Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR, thuộc Cục Đăng kiểm VN), 3 TTĐK 62-03D, 71-02D, 83-02D; TTĐK 50-03V, 50-05V, 50-06V. Hiện còn các bị cáo của 8 TTĐK tại TP.HCM chưa bị thẩm vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.