Đại án đăng kiểm: Viện kiểm sát kháng nghị đề nghị tăng hình phạt 18 bị cáo

06/09/2024 16:15 GMT+7

Viện KSND TP.HCM vừa ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt tù đối với 18 bị cáo trong đại án đăng kiểm.

Bị đề nghị tăng án vì mức án quá nhẹ

18 bị cáo bị đề nghị tăng nặng hình phạt tù trong đại án đăng kiểm gồm: Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Sơn Minh Khương, Đặng Phong Em về tội "giả mạo trong công tác"; Đặng Trần Khanh, Mai Đức Truyền, Trần Anh Tú, Nguyễn Đức Nam về tội "nhận hối lộ"; Võ Tấn Đạt, Phạm Ngọc Hoan, Đậu Đức Vũ, Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa và Nguyễn Văn Thái về tội "làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức"; Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang về tội "đưa hối lộ"; Nguyễn Minh Trị về các tội danh "giả mạo trong công tác", "nhận hối lộ".

Theo kháng nghị, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.

Các bị cáo trong vụ án là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được Nhà nước phân công và giao nhiệm vụ điều hành quản lý một ngành lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của con người. Tuy nhiên, chỉ vì động cơ tư lợi cá nhân, cũng có bị cáo vì nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, đã thực hiện hành vi phạm tội.

Đại án đăng kiểm: Viện kiểm sát kháng nghị đề nghị tăng  hình phạt 18 bị cáo- Ảnh 1.

Bị cáo Trần Kỳ Hình (hàng đầu, từ trái sang) và bị cáo Đặng Việt Hà

ẢNH: NHẬT THỊNH

Hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện trong thời gian dài, xảy ra một cách có hệ thống từ cấp cao nhất là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến các đăng kiểm viên tại các phòng, trung tâm trực thuộc, thậm chí cả nhân viên bảo vệ, nhân viên giám sát, học việc... cũng cùng nhau thực hiện.

Hành vi phạm tội của các bị cáo chiếm đoạt tài sản lớn, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông đường thủy, đường bộ. Ngoài ra, hành vi này còn gây ảnh hưởng xấu và làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước; gây bất bình, tạo dư luận xấu trong xã hội; chính vì vậy việc xử lý nghiêm đối với các bị cáo cũng là một biện pháp răn đe phòng ngừa chung không chỉ tại TP.HCM mà còn ở các địa phương khác trên cả nước.

Tuy nhiên, mức hình phạt mà TAND TP.HCM đã tuyên đối với 18 bị cáo trong vụ án là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe phòng ngừa.

Mức án mà Viện kiểm sát đề nghị khác với tòa tuyên thế nào?

Đối với nhóm bị cáo thuộc các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) miền Tây, các bị cáo Nguyễn Minh Trị, Trần Văn Cảnh và Huỳnh Thái Bảo được tòa án tuyên mức án thấp hơn 6 năm tù so với đề nghị của Viện kiểm sát về tội "giả mạo trong công tác là không phù hợp".

Theo kháng nghị, các bị cáo đã chỉ đạo những người không phải đăng kiểm viên đã ký giả, đóng giả đăng kiểm viên để thực hiện việc kiểm định phương tiện cơ giới, là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

Tất cả đều phạm vào khoản 4 điều 359 bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ 12 - 20 năm tù. Viện kiểm sát đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật khi đề nghị mức hình phạt cho bị cáo ở khoản 3 điều 359, nhưng tòa xét xử tuyên xử ở khoản 2 với mức án thấp hơn rất nhiều là chưa đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, đặc biệt đối với các bị cáo có vai trò chính ở các trung tâm.

Bị cáo Nguyễn Minh Trị, Phó giám đốc TTĐK 50-14D chỉ đạo nhân viên ký giả 88 chữ ký của đăng kiểm viên và Huỳnh Thái Bảo, Phó giám đốc TTĐK 62-03D, chỉ đạo nhân viên ký giả 433 chữ ký, hai bị cáo này Viện kiểm sát đề nghị 11-12 năm, nhưng đều được tòa án tuyên xử 5 năm tù.

Bị cáo Trần Văn Cảnh, Phó giám đốc TTĐK 83-02D, chỉ đạo nhân viên ký giả 159 chữ ký, Viện kiểm sát đề nghị 9 - 10 năm, tòa tuyên xử 3 năm tù.

Mức án trên không tương xứng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội và không công bằng so với các bị cáo khác là cấp dưới của mình.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Minh Trị còn bị xử lý về tội "nhận hối lộ" với tổng số tiền nhận hối lộ phải chịu trách nhiệm hơn 6,7 tỉ đồng. Trị là người trực tiếp chỉ đạo việc bỏ qua lỗi khi kiểm định phương tiện, ký cấp giấy chứng nhận kiểm định đạt. Viện kiểm sát đề nghị 14 - 15 năm tù, tòa xử phạt 7 năm tù là không phù hợp với tính chất mức độ, không tương xứng với nhiều bị cáo khác trong vụ án.

Kháng nghị dẫn chứng, bị cáo Phạm Văn Nối là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm số tiền hơn 2 tỉ đồng, hưởng lợi 40 triệu đồng và nộp lại toàn bộ, nhưng bị xử 7 năm tù. Bị cáo Trần Thế Hơn là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm số tiền hơn 3,5 tỉ đồng, hưởng lợi 99 triệu đồng và nộp lại toàn bộ, nhưng bị xử 7 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Văn Cường là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm số tiền hơn 860 triệu đồng, hưởng lợi 89 triệu đồng và nộp lại toàn bộ, nhưng bị xử 8 năm tù…

Đối với nhóm bị cáo ở Phòng VAR thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, về tội danh "nhận hối lộ": bị cáo Đặng Trần Khanh là lãnh đạo phòng, chịu trách nhiệm số tiền trên 60 tỉ đồng, hưởng lợi lớn, không nộp thêm tài liệu gì tại phiên tòa. Viện kiểm sát đề nghị 14 - 15 năm tù, tòa xử 11 năm tù.

Bị cáo Mai Đức Truyền là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 5 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 2,5 tỉ đồng nhưng chỉ nộp lại 650 triệu đồng, không có tình tiết giảm nhẹ mới tại phiên tòa. Viện kiểm sát đề nghị 12 - 13 năm tù, tòa xử 9 năm tù; không tương xứng với vai trò, trách nhiệm và không công bằng với các bị cáo khác…

Hai cựu cục trưởng cùng lãnh án

Như Thanh Niên thông tin, sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, cuối tháng 8 vừa qua, TAND TP.HCM phạt bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1.2014 - 7.2021) 19 năm tù về tội "nhận hối lộ" hơn 7,1 tỉ đồng, 6 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt chung là 25 năm tù.

Tòa phạt các bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 8.2021 - 12.2022) 19 năm tù về tội "nhận hối lộ"; Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông) 4 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" vì hành vi cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.

Với 251 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt từ 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 năm tù.

Ngoài ra, HĐXX tuyên tịch thu sung vào ngân sách khoảng 86 tỉ đồng và 99.000 USD mà các bị cáo đã nộp tại cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Buộc các bị cáo, người liên quan phải giao nộp lại số tiền hưởng lợi và tiền do phạm tội mà có, trong đó bị cáo Trần Kỳ Hình còn phải nộp tiếp hơn 4 tỉ đồng...

Bị cáo Trần Kỳ Hình với vị trí cục trưởng, vì vụ lợi cá nhân nhận tiền của các bị cáo từ đơn vị đăng kiểm tư nhân hơn 7,1 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo còn phê duyệt thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đúng quy định. Ghi nhận Hình đã nộp lại 2,85 tỉ đồng và 12.000 USD khắc phục hậu quả.

Đối với bị cáo Đặng Việt Hà, theo tòa, bị cáo đã thiếu giám sát và chỉ đạo lãnh đạo các phòng ban Cục Đăng kiểm Việt Nam, các TTĐK trên cả nước nhận hối lộ; bị cáo vì vụ lợi cá nhân, khi nhận nhiệm vụ cục trưởng đã chỉ đạo cấp dưới nâng mức tiền nhận hối lộ của bản thân lên cao nhất. Tổng số tiền bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm chung là hơn 40 tỉ đồng, hưởng lợi 8,55 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.