Đại án đất vàng ở Q.1, TP.HCM: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đổ trách nhiệm cho cấp dưới

23/04/2021 05:03 GMT+7

Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khai cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được phân công phụ trách Sabeco nên bị cáo chỉ nắm được sự việc khi có báo cáo.

Sáng 22.4, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương, liên quan khu “đất vàng” 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM.

Khởi tố cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng do "bán rẻ" đất vàng Sabeco

Bị cáo Hoàng khai mắc bệnh hiểm nghèo, đã quên nhiều điều

Theo cáo trạng, Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lập liên doanh Sabeco Pearl để xây dựng dự án cao ốc, văn phòng tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. Trong đó, Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm Attland (23%), Hà An (25,5%) và Mê Linh (25,5%).
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các thuộc cấp tại Bộ Công thương đồng ý việc này và UBND TP.HCM cũng chấp thuận cho xây dựng trên khu đất. Đến năm 2016, các doanh nghiệp (DN) tư nhân đề nghị Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh và được Sabeco cùng Bộ Công thương đồng ý. Từ sở hữu nhà nước, khu đất bị các công ty tư nhân thâu tóm với giá rẻ, gây thiệt hại 2.713 tỉ đồng. Sau vụ việc, bà Hồ Thị Kim Thoa bị xác định có trách nhiệm, nhưng đã bỏ trốn.
Đây là lần thứ 3 bị cáo Vũ Huy Hoàng phải ra tòa. Như các lần trước, bị cáo được tại ngoại và đến tòa sớm với trang phục áo sơ mi trắng, tay xách cặp da... Là người đầu tiên trả lời HĐXX, bị cáo Vũ Huy Hoàng trình bày đang mắc rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh hiểm nghèo, đã chấp hành các quy định, cố gắng hết sức đến tham gia phiên tòa. Bị cáo xin được phép dùng thuốc và có sự hỗ trợ y tế ngay trong phiên tòa, đồng thời xin được ngồi trong quá trình tòa xét xử.
Ở phần thẩm vấn, bị cáo Hoàng trình bày, sự việc liên quan đến khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng đã xảy ra rất lâu nên không còn nhớ được nhiều, mong được thông cảm.
Bị cáo Hoàng khai làm Bộ trưởng Bộ Công thương từ cuối năm 2007 - 2016. Việc phân công nhiệm vụ của bộ trưởng Bộ Công thương và các thứ trưởng là nghị quyết của tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, không phải ý chí của bộ trưởng. Trong các thứ trưởng, bà Thoa được phân công phụ trách lĩnh vực công nghiệp nhẹ, bao gồm các lĩnh vực: chế biến, giấy, gỗ, thực phẩm… trong đó có Sabeco. “Tôi nhận nhiệm vụ bộ trưởng vào cuối năm 2007, khi đó Sabeco đã thành lập Sabeco Land (liên doanh Sabeco Land được thành lập để thực hiện dự án trên khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, nhưng do không đủ năng lực nên đã giải thể, sau đó liên doanh Sabeco Pearl được thành lập - PV). Theo phân công, bà Thoa phụ trách trực tiếp. Tôi nắm thông tin vụ việc này không xuyên suốt, hệ thống mà chỉ biết khi được báo cáo. Việc xảy ra đã lâu, tôi lại không trực tiếp phụ trách. Khi vụ án được khởi tố, tôi đã nghỉ hưu nên không có điều kiện tiếp cận tài liệu. Có những chỗ không nhớ, xin được HĐXX thông cảm”, bị cáo Hoàng nói.

Truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa

“Muốn tốt cho ngân sách”

Bị cáo Hoàng khai năm 2013 tiếp nhận thông tin liên quan Sabeco khi bộ phận quản lý vốn nhà nước tại đơn vị này gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư. “Tôi chỉ có một ý kiến vào văn bản này là Sabeco phải báo cáo Bộ trước khi lựa chọn nhà đầu tư. Tôi làm thế vì muốn doanh nghiệp thay thế phải đảm bảo năng lực triển khai dự án chứ không như lần đầu để rồi bị dang dở. Đây là dự án triển khai trụ sở làm việc của Sabeco và các đơn vị thành viên. Hằng năm, Sabeco và các công ty con phải tốn hàng chục tỉ đồng thuê trụ sở làm việc, nếu làm được dự án sẽ tiết kiệm nhiều tiền thuê trụ sở, tốt cho ngân sách”, bị cáo Hoàng nói và trình bày thêm năm 2014 rất bận với các hiệp định thương mại nên không quán xuyến được hết mọi việc, có những văn bản liên quan đến vụ án, được cơ quan điều tra cho xem mới biết.
Tháng 11.2011, khi Chính phủ có chỉ đạo doanh nghiệp thoái vốn ngoài ngành, đã quán triệt đến các đơn vị thành viên triệt để thực hiện. Sau đó, các nhà đầu tư, Sabeco có văn bản đề nghị Sabeco Pearl thoái vốn khỏi công ty cổ phần. Văn bản được gửi đến bộ trưởng nhưng theo nguyên tắc làm việc, bị cáo đã không trả lời trực tiếp mà chuyển cho Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ khi đó là bị cáo Phan Chí Dũng có ý kiến, trình lên Bộ rằng phải có ý kiến của bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco đưa lên xin. Trên cơ sở đó, Vụ Công nghiệp nhẹ mới có văn bản chỉ đạo thoái vốn đồng ý cho thoái vốn vào khoảng tháng 2.2016.
Theo HĐXX, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín không đến tòa và đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Đại diện Bộ Công thương có ông Ngô Khải Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp, đến tham dự phiên tòa theo giấy ủy quyền của bộ trưởng. Trong vụ án này, Bộ Công thương được xác định là nguyên đơn dân sự. HĐXX cũng triệu tập nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải với tư cách nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, song ông Hải vắng mặt.
Cũng theo bị cáo Hoàng, cuối tháng 3.2016, cựu Thứ trưởng Thoa đi vắng nên bị cáo chủ trì thay một cuộc họp nói về chủ trương thoái vốn, không mang tính chất thẩm định về giá dù vấn đề giá có được nhắc đến. Thời điểm này, khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng chưa được bổ sung chức năng ở. “Khi kết luận cuộc họp, có văn bản lưu lại rõ ràng, tôi cũng vẫn nêu nguyên tắc là đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước. Văn bản kết luận cuộc họp này vẫn được lưu trong hồ sơ vụ án nhưng cơ quan điều tra lại không nhắc đến”, bị cáo Hoàng nói.
Khai trước tòa, bị cáo Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương, cho hay chỉ nhận thức được rằng Sabeco xây dựng văn phòng để phục vụ trong ngành chứ không phải là đầu tư ngoài ngành. Bên cạnh đó, các cơ quan trong Bộ Công thương cũng có ý kiến tham mưu như vậy. “Khi Sabeco không thực hiện làm văn phòng cho thuê mà chuyển sang hướng khác, tôi mới nhận thức được. Nếu nhận thức ban đầu của tôi không đúng thì tôi xin chịu trách nhiệm”, bị cáo Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.