Đại án DongA Bank: Vũ ‘nhôm’ lãnh 17 năm tù, Trần Phương Bình án chung thân

21/12/2018 04:57 GMT+7

Ngoài nhận định về hành vi phạm tội, HĐXX còn kiến nghị yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND tối cao làm rõ nhiều vấn đề khác.

Sau gần một tháng xét xử sơ thẩm, ngày 20.12, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB) án chung thân; Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi, tức Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) 17 năm tù; Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank) 30 năm tù; Nguyễn Hồng Ánh (nguyên đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TP.HCM) 10 năm tù; 22 bị cáo còn lại, tùy hành vi và mức độ phạm tội, HĐXX tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 16 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc Bình, Vũ nộp phạt 100 triệu đồng, Xuyến nộp phạt 80 triệu đồng... xung công quỹ nhà nước.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc Trần Phương Bình và một số bị cáo chiếm đoạt, gây thiệt hại liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cùng lãi phát sinh cho DongA Bank. Ngoài ra, HĐXX chấp nhận yêu cầu của DongA Bank, rằng các bị cáo gây thiệt hại loại tài sản nào (tiền hoặc vàng - PV) thì bồi thường đúng loại tài sản đó, kèm lãi suất phát sinh đến ngày 9.12.2016, ngày khởi tố vụ án. Trong đó, Trần Phương Bình phải bồi thường cho DAB khoảng 27.000 lượng vàng, gần 1.500 tỉ đồng, Bình và Vũ liên đới bồi thường cho DAB hơn 52 tỉ đồng...

Hành vi phạm tội ảnh hưởng tiêu cực về mọi mặt

HĐXX phân tích, Trần Phương Bình là chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo Xuyến và nhân viên cấp dưới của DongA Bank thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DongA Bank.
Trong đó, Bình đã chiếm đoạt và sử dụng hơn 2.000 tỉ đồng; chỉ đạo chi sai nguyên tắc hơn 1.500 tỉ đồng. HĐXX cũng nêu ghi nhận toàn bộ tình tiết giảm nhẹ của Bình như khắc phục hậu quả được hơn 5 tỉ đồng, bị cáo có nhiều đóng góp trong hoạt động ngân hàng; xem xét hoàn cảnh, nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, theo HĐXX hậu quả vụ án đã ảnh hưởng đến hoạt động tiền tệ và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác về mặt xã hội nên vẫn phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất đối với Bình.
Đối với Phan Văn Anh Vũ, theo HĐXX thông qua hoạt động mua cổ phần, góp vốn tại DAB, Vũ đã đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB hơn 203 tỉ đồng nên bị cáo Vũ phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền chiếm đoạt này. Tuy nhiên, bị cáo Vũ đã khắc phục toàn bộ số tiền này nên được sử dụng làm tình tiết giảm nhẹ.

Kiến nghị làm rõ dấu hiệu phạm tội liên quan đến 13,4 triệu USD

Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc Vũ “nhôm” phải trả lại 13,4 triệu USD cho DAB. Hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng tại tòa thể hiện, từ tháng 10.2012 - 3.2015, Bình chỉ đạo nguyên thủ quỹ hội sở DAB xuất quỹ chi hơn 294 tỉ đồng để mua 13,9 triệu USD, trong đó có 13,4 triệu USD là mua giúp Vũ “nhôm”. Theo HĐXX, trong vụ án này tuy chưa xác định được hành vi phạm tội của Vũ “nhôm” nhưng đã xác định được 13,4 triệu USD là vật chứng của vụ án nên phải thu hồi.
“Tại tòa, dù Phan Văn Anh Vũ không khai mục đích sử dụng 13,4 triệu USD. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy mối quan hệ 13,4 triệu USD giữa Trần Phương Bình và Vũ có dấu hiệu một tội phạm khác, cho nên HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND tối cao tiếp tục điều tra, làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án và xử lý theo quy định pháp luật”, HĐXX nhận định.
Đồng thời, HĐXX chấp nhận toàn bộ kiến nghị của đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa, đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ công an, Viện KSND tối cao điều tra, làm rõ vai trò, trách nhiệm các cá nhân tại NHNN, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TP.HCM; 2 công ty kiểm toán là Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM, Công ty TNHH Ernst and Young VN, khi trong hơn 10 năm thực thi nhiệm vụ với 13 lần thanh tra tại DAB nhưng không phát hiện hành vi vi phạm của Trần Phương Bình và các đồng phạm; kiến nghị CQĐT, Viện KSND tối cao làm rõ vai trò đồng phạm của Võ Thị Kim Anh (nguyên Trưởng phòng Kế toán hội sở DAB), Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc DAB chi nhánh Nam Định) và xử lý theo quy định pháp luật.
Biên bản lời khai giống nhau vì sự thật chỉ có một
Tại tòa, Vũ và luật sư (LS) bào chữa cho Vũ cho rằng có dấu hiệu thông cung giữa bị cáo Bình và bị cáo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ hội sở DAB). Ngoài ra, điều tra viên và kiểm sát viên còn có nhiều lời nói và hành vi mạt sát, khủng bố tinh thần bị cáo.
Về những vấn đề trên, HĐXX nhận định lời trình bày của Vũ không có cơ sở xem xét. Bởi, tại tòa Bình và Vinh xác nhận xuyên suốt quá trình tạm giam, hai bị cáo không được tiếp xúc, gặp gỡ nhau, điều tra viên không có hành vi dẫn dụ hay định hướng lời khai của các bị cáo. Tại buổi đối chất với Phan Văn Anh Vũ, cũng không có việc điều tra viên và kiểm sát viên đọc lại lời khai của những bị cáo trước, trước khi cho các bị cáo trả lời. Khi đối chất với Vũ, mặc dù có lúc điều tra viên, kiểm sát viên có lớn tiếng nhưng không hề có nội dung mạt sát hay khủng bố tinh thần bị cáo này. Khi xét hỏi, Bình và Vinh trình bày, sở dĩ lời khai giống nhau vì sự thật chỉ có một.
HĐXX cũng bác quan điểm của LS bào chữa cho Vũ khi cho rằng HĐXX hạn chế thời gian tranh luận của LS và thân chủ mình. Theo HĐXX, bộ luật Tố tụng hình sự cho phép chủ tọa có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án hoặc những ý kiến lặp lại. Trong khi tại tòa, Vũ và LS đều trình bày vấn đề bị cáo không phạm tội, trong hai lần tranh luận và đối đáp, bị cáo và LS đều không nêu ra các tình tiết và phát sinh vấn đề mới nên chủ tọa đã quyết định dừng phần tranh luận và cho LS nêu ý kiến bằng văn bản, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.