'Đại án' Huyền Như lừa đảo: Choáng với số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt

08/01/2014 18:33 GMT+7

(TNO) Hôm nay (8.1), Hội đồng xét xử đã xét hỏi xong đối với tất cả các bị cáo, những pháp nhân và cá nhân bị thiệt hại, cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ 'đại án' Huyền Như

(TNO) Hôm nay (8.1), Hội đồng xét xử đã xét hỏi xong đối với tất cả các bị cáo, những pháp nhân và cá nhân bị thiệt hại, cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ "đại án" Huyền Như.

 Choáng với số tiền các cá nhân và doanh nghiệp bị Như chiếm đoạt
Bị cáo Huyền Như

Trong nhóm tội thiếu trách nhiệm, Lương Thị Việt Yên (nguyên trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank Nhà Bè) không thừa nhận sai phạm và kêu bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm là quá nặng. Còn Hồ Hải Sỹ (nguyên phó phòng giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank Nhà Bè) cho rằng mình chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

Cả Yên và Sỹ đều khai hai trường hợp của Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm là do Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè) giới thiệu. Theo cáo trạng, hai cá nhân trên đứng tên gửi 50 tỉ đồng của ACB vào Vietinbank Nhà Bè. Như giả chữ ký của hai người này, mở tài khoản, thực hiện chuyển khoản, chiếm đoạt 50 tỉ đồng.

Đem tiền pháp nhân đi gửi, hưởng chênh lệch

Buổi chiều, thẩm phán Lê Văn Ban xét hỏi Phạm Anh Tuấn (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Thái Bình Dương). Phạm Anh Tuấn kêu oan và khai quen biết Như qua Trần Hoàng Trung (môi giới chứng khoán).

Phạm Anh Tuấn cho biết năm 2010 có ký với Vietinbank TP.HCM gửi 118 tỉ đồng (thực chất lần này Như giả chữ ký Nguyễn Thị Minh Hương - Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM - ký hợp đồng) lãi suất 10,49%/năm, chênh lệch ngoài hợp đồng 1%/năm. Hợp đồng này đã tất toán.

Đến tháng 3.2010, Tuấn tiếp tục liên lạc với Như gửi tiền tiếp. Như giới thiệu Phạm Anh Tuấn gặp Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè). Sau lần gặp đó, Phạm Anh Tuấn tin tưởng gửi tiền. Để chiếm đoạt tiền, Như làm giả 15 hợp đồng, ký giả chữ ký Võ Anh Tuấn ký trên hợp đồng Ủy thác đầu tư vốn này để nhận 1.493 tỉ đồng tiền gửi, lãi suất từ 10,49 -14%/năm, chênh lệch từ 1 - 4%/năm. Sau khi ký hợp đồng, theo yêu cầu của Như, Phạm Anh Tuấn chuyển khoản số tiền này vào tài khoản Công ty Hoàng Khải do Như thành lập.

Bị thẩm phán truy về hành vi gửi tiền là vi phạm pháp luật vì không có chức năng kinh doanh tài chính đã gây thất thoát 80 tỉ đồng, Phạm Anh Tuấn lý luận: “Trong các quy định của  pháp luật không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng bị cáo dùng tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng lấy lãi là bình thường”. Thẩm phán truy: “Đây là số tiền đóng tàu của Vinasin, bị cáo rút bớt đem gửi?”. Phạm Anh Tuấn ậm ừ, nói: "Tất cả lãi suất đều chuyển vào Vông ty Thái Bình Dương. Bị cáo không nhận 121 tỉ Như chuyển khai".

Trong khi đó, Như khai đã tất toán 14 hợp đồng, trả đủ vốn và lãi. Còn 1 hợp đồng 80 tỉ đồng chưa tất toán. Đặc biệt, từ 19.3.2010 - 22.6.2011, Như đã chỉ đạo Đỗ Quốc Thái 21 lần chuyển khoản lãi suất chênh lệch, thưởng 1% và phí báo cáo 1,5% trên số tiền gửi và ngày gửi, tổng số tiền là 121 tỉ đồng cho Phạm Anh Tuấn.

 Bị cáo Phạm Anh Tuấn áo đỏ
Bị cáo Phạm Anh Tuấn áo đỏ

Vị thẩm phán truy tiếp: "Tiền chuyển vào tài khoản, bị cáo rút ra ngay. Tiền đâu liên tục mỗi ngày hoặc cách nhau vài ngày liên tục chuyển vào tài khoản cá nhân mỗi lần vài tỉ đồng cho bị cáo?". Phạm Anh Tuấn đáp: "tiền của ba mẹ bị cáo, ba mẹ vợ bị cáo và một phần tiền của vợ chồng bị cáo kinh doanh có ạ". Vị chủ toạ hỏi tiếp:"lương bị cáo làm bao nhiêu một tháng, vợ bị cáo kinh doanh gì?". Phạm Anh Tuấn trả lời: "bị cáo làm cho hai công ty, lương 35 triệu đồng/tháng, vợ bị cáo kinh doanh rượu ngoại". Vị thẩm phán phân tích: “với thu nhập như vậy thì không thể ngày nào tiền tỉ cũng chuyển vào tài khoản của bị cáo. Trong khi đó, số ngày chuyển khoản trùng khớp với ngày Đỗ Quốc Thái nộp tiền cho bị cáo,  20 ngày/tháng. Còn cha mẹ bị cáo, cha mẹ vợ đều nói không có tiền chuyển cho bị cáo”.

Đòi Vietinbank trả nợ

Được tòa gọi lên thẩm vấn, đại diện Ngân hàng VIB đề nghị tòa xác định lại VIB là người bị hại trong vụ án, không phải người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vì thiệt hại 180 tỉ đồng. Trình bày với tòa, đơn vị này đưa ra nhiều yêu cầu. Cụ thể, có 12 cá nhân giúp sức cho Như chiếm đoạt 180 tỉ đồng nhưng chỉ có 3 người bị truy tố. Vì vậy, đơn vị này yêu cầu tòa xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 9 người khác, buộc họ liên đới khắc phục hậu quả và xem xét phong tỏa tài sản của 12 người này.

Bị cáo Lành tự nguyện khắc phục 15 tỉ đồng cho VIB, nhưng đơn vị này chưa nhận được, nên đề nghị tòa tuyên trả cho VIB. Đồng thời, Như khai số tiền trả chiếm đoạt của VIB trả cho Lành, Dung, Thái, Quyên... đơn vị này đề nghị điều tra làm rõ để thu hồi trả cho VIB.

Không chỉ có VIB, rất nhiều pháp nhân và cá nhân khác cũng cho biết tin tưởng và giao cho Như hàng trăm tỉ đồng..

Lần lượt được gọi lên làm rõ, Công ty chứng khoán Phương Đông cho biết bị thiệt hại 380 tỉ đồng, Công ty An Lộc thiệt hại 170 tỉ đồng, Công ty Phúc Vinh bị chiếm đoạt 608 tỉ đồng, Công ty Thịnh Phát bị thiệt hại 788 tỉ đồng, Công ty Hưng Yên 212 tỉ đồng, Bảo hiểm Toàn Cầu thiệt hại 125 tỉ đồng, Công ty CP chứng khoán Saigonbank-Berjaya 200 tỉ đồng, Công ty Thái Bình Dương thiệt hại 80 tỉ đồng, Giã Thị Mai Hiên thiệt hại 274 tỉ đồng, Lê Thị Kim Tiến 7 tỉ đồng, Phạm Thanh Huấn thiệt hại 3,9 tỉ đồng…

Trình bày tại tòa, hầu hết các cá nhân và tổ chức này đều yêu cầu Vietinbank bồi thường, trả lại số tiền bị chiếm đoạt cùng lãi suất vì cho rằng họ gửi tiền vào Vietinbank chứ không phải gửi tiền cho Như. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xác định lại tư cách tham gia tố tụng của các pháp nhân vì họ không phải là bị hại của Như.

Hội đồng xét xử cũng đã thẩm vấn Huyền Như về những cá nhân, tổ chức đã nhận tiền của Huyền Như chuyển trả sau khi chiếm đoạt 4.900 tỉ đồng, cũng như việc bán một biệt thự ở Hồ Tràm với giá 20 tỉ cho bà Nguyễn Thị Thu Thủy. Bà Thủy cho biết còn cho Như vay 700 triệu đồng, nhưng không yêu cầu hoàn trả, coi như thiệt hại do rủi ro.

Trước khi kết thúc ngày làm việc thứ ba, Hội đồng xét xử nhắc nhở các cá nhân, tổ chức vắng mặt ở tòa thu xếp thời gian đến tòa trình bày yêu cầu, tránh bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Hội đồng xét xử cũng yêu cầu các cá nhân bị thiệt hại làm văn bản gửi đến tòa xác định con số thiệt hại và buộc ai bồi thường. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng thông báo trong 2 ngày làm việc kế tiếp sẽ dành cho công tố viên và luật sư xét hỏi.

Ngày mai phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

Bài, ảnh: Lê Quang

>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Nhất loạt đổ tội cho Huyền Như
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Chi triệu đô làm thẻ xanh đi Mỹ
>> Đại án lừa đảo: Siêu lừa Huyền Như trong vòng vây tín dụng đen
>> Xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Các luật sư “làm nóng” phiên khai mạc
>> Xét xử vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng
>> Vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng: Nhiều cán bộ ngân hàng hầu tòa
>> Sắp xét xử vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng
>> Sắp xét xử ‘siêu lừa’ gần 4.000 tỉ đồng Huỳnh Thị Huyền Như
>> Khởi tố thêm cán bộ ngân hàng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.