Đại án Nhật Cường: Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ?

06/05/2021 11:20 GMT+7

Khai báo trước tòa, các bị cáo nhân viên của Công ty Nhật Cường cho rằng chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của ông chủ Bùi Quang Huy . Người hưởng lợi là ông Huy lại không có mặt để gánh chịu trách nhiệm.

Ngày 6.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), liên quan đến việc sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán để che giấu doanh thu.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 - 2019, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường là Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) chỉ đạo các bị cáo nhập lậu 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỉ đồng, rồi phân phối. Qua đó Công ty Nhật Cường đã bán được 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỉ đồng và hưởng lợi bất chính 221 tỉ đồng.
Cũng trong thời gian này, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống Misa ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước.
Các cơ quan tố tụng xác định, giai đoạn 2014 - 2018, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 503 tỉ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hơn 4.889 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 1.378 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 12 tỉ đồng thuế GTGT.
Tuy nhiên, hệ thống bí mật ERP thể hiện trong giai đoạn nêu trên, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 883 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 8.274 tỉ đồng.
Trên hệ thống ERP cũng thể hiện, Công ty Nhật Cường đã mua vào số hàng trị giá hơn 5.700 tỉ đồng nhưng chỉ nộp thuế cho số hàng trị giá hơn 1.500 tỉ đồng, số hàng còn lại trị giá hơn 4.200 tỷ đồng không có hóa đơn. Do có sự chênh lệch giữa 2 hệ thống kế toán nên Công ty Nhật Cường trốn hơn 29 tỉ đồng tiền thuế.
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Nhật Cường, cho rằng bản thân bị oan bởi Ngọc chỉ sử dụng hệ thống ERP, không được sử dụng hệ thống Misa nên không thể lập các báo cáo thuế, báo cáo tài chính gửi cơ quan nhà nước. Do đó bị cáo không phạm tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, như cáo buộc của Viện KSND tối cao.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường, thừa nhận các báo cáo tài chính hàng năm trước khi gửi cơ quan thuế đều phải báo cáo cho Bùi Quang Huy, đươc sự đồng ý của Huy thì mới gửi cho cơ quan thuế.
Nhiều bị cáo khác của Công ty Nhật Cường khai bản thân chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của ông chủ Bùi Quang Huy và không nhận thức được việc để tồn tại 2 hệ thống kế toán nêu trên là vi phạm pháp luật.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, khai trong quá trình phân phối sản phẩm thường bị mất hàng hóa bán lẻ, nên Bùi Quang Huy đã chỉ đạo thành lập hệ thống ERP để kiểm soát, bản thân bị cáo cũng chỉ nghĩ rằng phần mềm ERP là để quản lý tiền hàng chặt chẽ, tránh mất mát.
“Với tư cách là nhân viên của công ty, bị cáo cũng chỉ là người đi làm thuê. Trước bối cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị cáo thấy 2 năm bị tạm giam cũng đủ dài để suy nghĩ về hậu quả xảy ra. Đây là kết quả của việc kinh doanh lâu dài do nhiều người cùng thực hiện. Bị cáo xin nhận trách nhiệm. Nhưng chỉ mong được xem xét bởi chỉ là người làm công ăn lương, làm theo sự chỉ đạo của ông chủ; bản thân bị cáo đã khai báo thành khẩn; người hưởng lợi là ông Huy lại không có mặt để cùng gánh chịu”, bị cáo Ánh nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.