Đại án Trương Mỹ Lan: 6.095 tỉ liên quan 'Chúa đảo Tuần Châu' từ SCB hay của Vạn Thịnh Phát?

Đại án Trương Mỹ Lan: 6.095 tỉ liên quan 'Chúa đảo Tuần Châu' từ SCB hay của Vạn Thịnh Phát?

23/11/2024 09:38 GMT+7

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo đã làm việc với ông Đào Hồng Tuyển (còn gọi là 'Chúa đảo Tuần Châu') từ năm 2016 và đã chuyển cho Đào Anh Tuấn (là con trai của ông Tuyển) và hai công ty thuộc Tập đoàn Tuần Châu hơn 6.095 tỉ đồng để thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Số tiền này không liên quan đến SCB.

Ngày 22.11.2024, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 47 bị cáo khác.

Đại án Trương Mỹ Lan: 6.095 tỉ liên quan 'Chúa đảo Tuần Châu' từ SCB hay của Vạn Thịnh Phát

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan xin tranh luận bổ sung liên quan đến kháng cáo của hai Công ty Âu Lạc và Công ty T&H Hạ Long (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB). Trong vụ án này, 2 công ty thuộc Tập đoàn Tuần Châu được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; còn SCB là bị hại.

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo đã làm việc với ông Đào Hồng Tuyển (là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh, còn gọi là "Chúa đảo Tuần Châu") từ năm 2016 và đã chuyển cho Đào Anh Tuấn (là con trai của ông Tuyển) và hai công ty hơn 6.095 tỉ đồng để thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Bị cáo Trương Mỹ Lan khai 6.095 tỉ đồng là tiền riêng của bị cáo, không liên quan đến SCB.

Vào thời điểm đó, bị cáo Trương Mỹ Lan đã kêu gọi khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài vào để thực hiện hợp tác với Tuần Châu. Bị cáo đã thuê những đơn vị tư vấn, kiến trúc sư nước ngoài về để nghiên cứu, thiết kế các dự án ở phường Tuần Châu (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) với mong muốn biến khu vực này thành những công trình “như Dubai”.

Để kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư thì trong nhiều năm liền, bị cáo Trương Mỹ Lan đã dùng tiền của Vạn Thịnh Phát, tiền mượn của bạn bè cho Tập đoàn Tuần Châu mượn tiền để đầu tư làm hạ tầng. Tuy nhiên, do những thủ tục ở Việt Nam chưa xong nên tiền từ nước ngoài chưa chuyển vào.

Bị cáo Lan đề nghị HĐXX, Viện kiểm sát có biện pháp giải quyết cho phía người liên quan vì “nếu để lâu sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ không thể giải quyết được”.

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo chuyển 3.180 tỉ đồng cho ông Đào Anh Tuấn theo thỏa thuận khung ngày 20.12.2021. Số tiền này gồm 1.400 tỉ đồng mua hơn 70% cổ phần Công ty T&H Hạ Long, 1.768 tỉ đồng đối trừ các khoản nghĩa vụ thanh toán của bị cáo Lan.

Ngoài ra, Công ty Âu Lạc và T&H Hạ Long nhận hơn 2.910 tỉ đồng từ 5 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát qua thỏa thuận đặt cọc, chuyển nhượng 243 căn nhà và khu biệt thự Hoàng Long. Tuy nhiên, để sở hữu dự án, bà Lan còn phải thanh toán hơn 2.152 tỉ nữa.

Như vậy tổng số tiền mà Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Tập đoàn Tuần Châu là khoảng 6.095 tỉ đồng, và tòa sơ thẩm xác định số tiền này có nguồn gốc từ SCB, buộc hai công ty trả lại để khắc phục hậu quả. Hơn 18 triệu cổ phần Công ty T&H Hạ Long và nhiều bất động sản khác bị kê biên. Tài sản thế chấp cho SCB cũng bị ngăn chặn giao dịch, đợi giải quyết tại vụ án khác nếu có yêu cầu.

Đại án Trương Mỹ Lan: 6.095 tỉ liên quan 'Chúa đảo Tuần Châu' từ SCB hay của Vạn Thịnh Phát?- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng hơn 6.000 tỉ đồng là do nhóm Công ty Tuần Châu vay mượn của bị cáo, chứ không phải của SCB

ẢNH: NGÂN NGA

Trình bày tại tòa, đại diện của ông Đào Anh Tuấn cho biết ông là chủ sở hữu của 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty T&H Hạ Long hiện các tài sản này đang nằm trong hơn 1.000 mã tài sản đang bị kê biên và bản án sơ thẩm tuyên giao cho SCB xử lý.

Do công ty có mối quan hệ làm ăn với bị cáo Trương Mỹ Lan nên ông Tuấn cho SCB mượn nhiều tài sản, trong đó có 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty T&H Hạ Long để tái cơ cấu ngân hàng.

Do đó, đại diện của ông Đào Anh Tuấn đề nghị tòa xem xét loại bỏ 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị kê biên ra khỏi vụ án hình sự để cho các bên giải quyết bằng vụ án dân sự.

Người đại diện của ông Tuấn và hai công ty thuộc Tập đoàn Tuần Châu cũng không đồng ý với quan điểm của SCB giao các tài sản này cho ngân hàng xử lý nợ.

Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc trong các bản tin sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.