Đại án VNCB giai đoạn 2: Phạm Công Danh 30 năm tù, Trầm Bê 4 năm tù

06/08/2018 12:51 GMT+7

Phạm Công Danh bị tuyên phạt 20 năm tù, tổng hợp hình phạt bản án phúc thẩm VNCB (giai đoạn 1), là 30 năm tù; bị cáo Trầm Bê 4 năm tù.

Sau gần 2 tuần xét xử sơ thẩm và nghị án dài ngày, sáng 6.8, TAND TP.HCM đã tuyên án đại án Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng VN (VNCB) giai đoạn 2, đối với 3 bị cáo: Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng NH TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng 43 đồng phạm, phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trầm Bê, Phan Huy Khang vì lợi ích bỏ qua quy định
HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù, tổng hợp hình phạt bản án phúc thẩm VNCB giai đoạn 1, bị cáo phải nhận mức án chung là 30 năm tù; bị cáo Trầm Bê 4 năm tù; bị cáo Phan Huy Khang 3 năm tù; 43 đồng phạm giúp sức cho bị cáo Danh bị phạt từ 3 năm tù treo đến 10 năm tù, tùy vai trò của từng bị cáo.
HĐXX nhận định dù nhóm của bị cáo Phạm Công Danh không đủ khả năng tài chính nhưng vẫn tiếp nhận NH Đại Tín - TrustBank (sau này bị cáo Danh đổi tên thành VNCB) từ cổ đông nhóm Hứa Thị Phấn. Từ đó, bị cáo Danh và đồng phạm thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội.
Cụ thể, ở giai đoạn 2 của vụ án, Phạm Công Danh có hành vi sử dụng 29 công ty do bị cáo đứng sau vay tiền tại Sacombank, NH TMCP Tiên Phong (TPBank), NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV); dùng tiền của VNCB gửi tại 3 NH này bảo lãnh cho 29 công ty của Danh, gây thiệt hại cho VNCB trên 6.000 tỉ đồng khi 29 công ty không có khả năng trả nợ.
Hai bị cáo: Trầm Bê, Phan Huy Khang đã trực tiếp gặp, bàn bạc, thống nhất cho bị cáo Danh vay 1.800 tỉ đồng; yêu cầu bị cáo Danh dùng tiền của VNCB để bảo lãnh cho khoản vay, sau đó chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện việc cho vay. Khi cho vay, cả hai biết rõ bị cáo Danh là Chủ tịch VNCB, đối tượng mà theo quy định tại luật Các tổ chức tín dụng, không được phép dùng tiền của VNCB để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho mình. Thế nhưng vì lợi ích của NH mình, các bị cáo vẫn cố ý bỏ qua các quy định, tạo điều kiện để bị cáo Danh vay tiền, dẫn đến VNCB bị thiệt hại.
Theo HĐXX, bị cáo Danh lôi kéo các bị cáo khác của 4 NH để thực hiện hành vi trái pháp luật, khiến VNCB thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Phạm Công Danh là bị cáo chủ mưu, có vai trò quyết định nên cần có mức hình phạt cao nhất.
Không thu hồi trên 6.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng liên quan
Về thu hồi tài sản khắc phục hậu quả, HĐXX không đồng ý với quan điểm của đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, 6.126,8 tỉ đồng là vật chứng của vụ án nên tuyên thu hồi số tiền này từ Sacombank, TPBank, BIDV, để trả lại cho NH TNHH MTV Xây dựng VN (CB Bank, VNCB cũ).
HĐXX nhận định, toàn bộ số tiền trên 6.000 tỉ đồng này vay được từ Sacombank, BIDV, TPBank, bị cáo Danh đều sử dụng cho mục đích cá nhân nên vật chứng của vụ án là số tiền Danh vay được và đã sử dụng; vật chứng của vụ án không phải là số tiền thu hồi nợ từ VNCB của 3 NH: Sacombank, BIDV, TPBank như đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đề nghị.
Theo HĐXX, điều này là phù hợp với giám định của Ngân hàng nhà nước (NHNN), rằng 3 NH không bị thiệt hại.
Từ đó, HĐXX đã tuyên thu hồi hàng ngàn tỉ đồng từ nhiều nguồn khác do Danh dùng từ khoản vay 6.126,8 tỉ đồng để chi trả, gồm: bà Hứa Thị Phấn 600 tỉ đồng; hơn 194 tỉ đồng từ ông Trần Quí Thanh; 2.371 tỉ đồng từ VNCB (nay là CB Bank); hơn 338 tỉ đồng từ Công ty CP ĐT-PT Hải Tiến; hơn 1.500 tỉ đồng từ BIDV… và phần lớn số tiền còn lại HĐXX buộc thu hồi từ bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
CB Bank phải trả cho Phạm Công Danh hơn 2.100 tỉ đồng
Về 4.500 tỉ đồng bị cáo Danh dùng từ hành vi phạm tội chuyển về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng không được NHNN đồng ý, nay bị cáo Danh đòi CB Bank phải trả lại để khắc phục hậu quả cho vụ án, theo HĐXX, hồ sơ vụ án cho thấy, 4.500 tỉ đồng đã được Danh chuyển vào VNCB nhưng đến nay, vốn điều lệ của CB Bank vẫn 3.700 tỉ đồng. Từ đó, HĐXX buộc CB Bank phải trả lại 4.500 tỉ đồng cho bị cáo Phạm Công Danh. Nhưng do HĐXX đã tuyên thu hồi 2.371 tỉ đồng được xem là vật chứng của vụ án từ CB Bank, nên CB Bank chỉ cần phải trả lại hơn 2.100 tỉ đồng cho Phạm Công Danh. Song, do bị cáo Danh đang còn phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án ở cả 2 giai đoạn của vụ án nên cần giữ lại số tiền hơn 2.100 tỉ đồng này của bị cáo Danh để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.