Ngày 26.1, các luật sư (LS) bào chữa cho 46 bị cáo đã kết thúc phần tranh luận của mình trong vụ án Phạm Công Danh (52 tuổi, quê Quãng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và 45 đồng phạm “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến 4 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), gây thiệt hại cho VNCB trên 6.126 tỉ đồng.
tin liên quan
'Đại án' Phạm Công Danh: Có thu hồi được gần 1.700 tỉ đồng từ BIDV để khắc phục hậu quả?Đại diện 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV đã nêu quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các ngân hàng của mình.
Theo đó, cả 3 ngân hàng đều đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của đại diện Viện KSND TP.HCM (gọi tắt là VKS), buộc thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng, trong đó Sacombank hơn 1.835 tỉ đồng, TPBank hơn 1.740 tỉ đồng, BIDV là hơn 2.550 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho vụ án.
Cụ thể, đại diện Sacombank cho rằng tại thời điểm phát sinh giao dịch (ngày 26.04.2013), thời điểm tất toán giao dịch (ngày 26.01.2014), 2 pháp nhân ngân hàng thực hiện các giao dịch dân sự, giao dịch được thực hiện và hoàn tất trước khi vụ án xảy ra; giao dịch giữa Sacombank và VNCB phù hợp với thỏa thuận của các bên về bảo lãnh, xử lý thu hồi nợ…
Đồng thời, theo đại diện Sacombank, việc VNCB chuyển tiền thanh toán tại 2 chi nhánh của Sacombank đã được Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt trên tờ trình. Mặt khác, theo Điều 429 Bộ luật Dân sự thì đến nay sự việc đã quá 3 năm nên việc yêu cầu bồi thường đã vượt quá thời hiệu.
Tương tự, đại diện TPBank nêu giao dịch gửi tiền giữa TPBank và VNCB được thực hiện đúng và hợp pháp theo quy định về vay và cho vay giữa các ngân hàng; kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ việc VNCB gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác, rồi cầm cố, bảo lãnh cho vay tín dụng là được phép theo quy định pháp luật.
Từ đó, TPBank cho rằng nếu thu hồi tiền để khắc phục hậu quả cho vụ án thì nên thu hồi từ những cá nhân, tổ chức được đề cập trong hồ sơ vụ án, khi xác minh được đường đi của dòng tiền vay mà Phạm Công Danh đã sử dụng.
Đối với BIDV, đại diện ngân hàng này cho rằng đề nghị thu hồi tiền từ BIDV để khắc phục hậu quả là vô căn cứ, trái với nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự trong một vụ án hình sự.
Theo BIDV, vụ án “cố ý làm trái…” giai đoạn 2 này xét xử Danh và đồng phạm vi phạm pháp luật. Như vậy, hành vi của các bị cáo là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho VNCB, nên nguyên tắc dân sự trong hình sự thì Danh trực tiếp gây ra thiệt hại thì Danh phải là người bồi hoàn cho VNCB, không phải là BIDV hay hai ngân hàng còn lại...
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, 3 ngân hàng trên đã cho 29 công ty do Danh thành lập hoặc Danh mượn pháp nhân, bằng hình thức bảo đảm cầm cố là Danh lấy tiền của VNCB bảo lãnh cho các khoản vay của VNCB.
Khi 29 công ty không trả được tiền vay và lãi khi đến kỳ hạn, 3 ngân hàng này đã tất toán bằng tiền của VNCB được gửi tại Sacombank, TPBank, BIDV, gây thiệt hại cho VNCB trên 6.126 tỉ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và một số nguyên cán bộ tín dụng tại 3 ngân hàng đều bị đưa ra xét xử vì hành vi đồng phạm “cố ý làm trái…”, giúp sức Danh gây thiệt hại cho VNCB.
Hành vi phạm tội của các bị cáo này là đã không thẩm định, kiểm tra hồ sơ vay trong khi 29 hồ sơ vay của 29 doanh nghiệp đều được lập khống, không có hoạt động kinh doanh; sau khi giải ngân, các bị cáo cũng không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc Danh sử dụng tiền vay trái quy định; khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi của VNCB.
Bình luận (0)