Ninh Thuận là nơi có tổng đàn cừu lớn nhất nước, với khoảng 160.000 con, được người dân chăn thả tại các khu vực gò đồi ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và Thuận Bắc.
Khu vực đồng cỏ Đồng Dày, xã Phước Trung, H.Bác Ái được ví như đại bản doanh chăn nuôi cừu của tỉnh Ninh Thuận đang bị khô cháy.
|
|
Nơi đây có hàng trăm trang trại chăn nuôi cừu lớn nhỏ đang loay hoay tìm giải pháp để cứu đàn cừu vượt qua mùa hạn. Hàng ngày, khi mặt trời chưa nhú lên đỉnh núi, người chăn nuôi phải di chuyển đàn cừu đi hàng cây số đến các chân ruộng, rẫy bắp bỏ hoang để gặm những gốc rạ khô kéo; đến xế chiều thì lùa về các ao hồ thủy lợi cho cừu uống nước trước khi về trang trại.
|
Khi về chuồng, người chăn nuôi “bồi bổ” thêm rơm khô hoặc một ít cỏ tươi cho cừu ăn để cừu không bị suy dinh dưỡng.
|
Bà Nguyễn Thị Hường (ở xã Phước Trung, H.Bác Ái) người có kinh nghiệm chăn nuôi cừu hơn 10 năm, cho biết đàn cừu trong trang trại gia đình bà luôn giữ ở mức 200 con; nếu tổng đàn dưới mức 200 con thì người nuôi không có lãi, còn trên 200 con thì khó để duy trì đàn cừu vượt qua được mùa hạn.
|
|
Hàng năm cứ đến cuối mùa mưa, gia đình bà Hường phải chuẩn bị lương thực như rơm rạ, cây bắp khô, trồng cỏ và đào ao trữ nước để “bồi bổ” thêm cho đàn cừu 200 con vượt qua những tháng mùa hạn.
Hàng ngày, từ sáng sớm bà Hường lùa cừu đi ăn cho đến xế chiều, khi về chuồng bà Hường “bồi bổ” thêm rơm khô và một ít cỏ tươi.
|
Theo bà Hường, dự trữ rơm rạ và đào ao giữ nước là công thức chung của người chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, hiện rơm rạ, cây bắp khô có giá rất cao, nhiều hộ chăn nuôi không đủ sức mua để dự trữ nên phải tính đến phương án di dời đàn cừu đến đồng cỏ khác, cách trang trại hàng chục cây số để chăn thả mới, giúp chúng vượt qua mùa khô hạn.
|
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm, nắng hạn kéo dài nên lượng nước dự trữ trong 21 hồ thủy lợi hiện chỉ còn 25% dung tích. Nắm bắt được tình hình khô hạn, ngay từ đầu năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các ngành liên quan, địa phương chủ động rà soát để chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng chịu hạn, đem lại hiệu quả kinh tế; tập trung ưu tiên nguồn nước từ các hồ thủy lợi để phục vụ sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc.
Bình luận (0)