Các chuyên gia Ngân hàng HSBC mới đây vừa đưa ra nhận định VN đang nổi lên như là điểm đến đầu tư hàng đầu thu hút các doanh nghiệp (DN) của Đài Loan (Trung Quốc). Tính đến nay, Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ tư tại VN, có gần 3.200 dự án với tổng vốn đăng ký vượt 39,5 tỉ USD. Ngoài ra, lãnh thổ này đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của VN với kim ngạch thương mại song phương hằng năm đạt 25 tỉ USD.
Theo HSBC, kể từ đại dịch Covid-19, hành lang thương mại của cả 2 thị trường đã được nâng lên tầm cao mới, phần lớn là do sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện tử. Một trong những mặt hàng xuất khẩu phổ biến nhất của Đài Loan sang ASEAN là trà sữa trân châu mà VN với dân số hơn 100 triệu người, đã đóng góp 362 triệu USD (năm 2021) vào doanh số bán trà sữa, chỉ xếp sau Indonesia và Thái Lan. Thế nhưng món thức uống kết hợp trà, sữa và trân châu đó chưa phải là câu chuyện thành công duy nhất của Đài Loan tại Đông Nam Á.
Đài Loan nổi tiếng là thị trường dẫn đầu thế giới về điện tử và chất bán dẫn, chiếm hơn 70% thị phần chip cao cấp. Các công ty tại đây sản xuất hơn 80% máy tính cá nhân và 90% máy chủ trên thế giới. Còn VN sở hữu ngành công nghiệp bán dẫn được dự đoán đạt giá trị 20 - 30 tỉ USD vào năm 2030, với tham vọng trở thành mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng DN của HSBC Việt Nam, nhìn nhận: Thời gian gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như sự chuyển dịch sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao từ Đài Loan sang VN đã tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy bức tranh toàn cảnh của những cơ hội hợp tác chiến lược và thương mại tương lai giữa hai nền kinh tế.
Thực ra, không phải đến bây giờ VN mới "lọt vào mắt xanh" của các "đại gia" Đài Loan. Năm 2019, Tập đoàn công nghệ Foxconn - nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cũng là đối tác sản xuất lớn nhất của Apple - đã đầu tư 137 triệu USD vào Quảng Ninh tại KCN Đông Mai. Năm 2023, Tập đoàn này tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án với tổng vốn đầu tư 246 triệu USD tại Quảng Ninh. Mới đây, Tập đoàn này lại được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 2 dự án cũng tại Quảng Ninh với tổng mức đầu tư 551 triệu USD. Như vậy, riêng tại Quảng Ninh, nhà sản xuất điện tử lớn đến từ Đài Loan đã đầu tư hơn 1 tỉ USD. Tại Bắc Ninh, dự án của ông lớn công nghệ này đạt xấp xỉ 400 triệu USD. Chưa tính khoản đầu tư mới nhất ở Quảng Ninh, từ năm 2007 đến nay, Foxconn đã đầu tư tại VN hơn 3,2 tỉ USD. Đáng lưu ý, sự có mặt của Foxconn đã kéo theo hàng loạt DN lớn nhỏ trong ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin đến VN. Đơn cử như Luxshare-ICT Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Luxshare-ICT Precision, đang sở hữu 2 nhà máy tại Bắc Giang. Luxshare hiện đứng thứ 20 trong top 100 công ty lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là một trong 3 công ty sản xuất sản phẩm cho tập đoàn Apple, trong đó thương hiệu điện thoại đình đám iPhone.
Bên cạnh Foxconn, đến nay hầu hết các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan như Wistron, Qisda, Pegatron, Compal, Quanta… đều đã có dự án tại VN. Gần nhất, chúng ta vừa nhận được khoản đầu tư trị giá 250 triệu USD từ Tripod Technology vào Bà Rịa - Vũng Tàu. Những tập đoàn bán dẫn như TSMC, UMC, PSMC… đều mở nhà máy tại các nước.
Sự có mặt của các DN lớn, những "đại bàng" luôn kéo theo hàng loạt nhà máy công nghiệp hỗ trợ đi theo. Điều này chúng ta đã chứng kiến ở Bắc Ninh, theo chân Samsung, hàng loạt nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt tại tỉnh này. Các dự án FDI của Hàn Quốc chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, cơ khí chính xác, chế biến nông sản thực phẩm, các ngành dịch vụ phục vụ và công nghiệp dân dụng.
GS.TS Đặng Lương Mô, chuyên gia vi mạch toàn cầu, phân tích: Đài Loan đặt mục tiêu tăng gấp 3 tổng số sinh viên nước ngoài vào năm 2030 lên 320.000 và giữ 70% trong số đó làm việc tại nội địa. Điều đó cho thấy nền kinh tế mũi nhọn là bán dẫn của Đài Loan đang cần nguồn nhân lực rất lớn để tiếp tục phát triển. Vì thế, việc mở rộng của Đài Loan sang các nước, trong đó có thị trường quan trọng là VN, là tất yếu. "Hệ sinh thái bán dẫn phải có mặt VN. Đó là lý do hiện đại bàng lớn, nhỏ trong ngành này hầu như đã có mặt tại VN. Riêng các tập đoàn lớn nằm trong chuỗi cung ứng đã đến từ rất sớm", GS.TS Đặng Lương Mô nói.
Ở một góc nhìn khác, bà Daphne Lee, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng DN HSBC Đài Loan, cho rằng thế mạnh của Đài Loan trong lĩnh vực công nghệ khiến họ trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, VN đã bắt đầu hiện thực hóa khát vọng đó bằng cách ban hành các chính sách tập trung vào thu hút vốn FDI chất lượng cao và tăng cường đào tạo. Bên cạnh đó, VN sở hữu lực lượng lao động trẻ dồi dào, có tay nghề cao, có vị trí địa lý chiến lược, thị trường tiêu thụ đang tăng trưởng, chi phí vận hành cạnh tranh và trên hết là đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là lý do VN được chọn. Gần đây, các công ty Đài Loan đã đẩy mạnh đầu tư vào các thiết bị điện tử tiên tiến hơn. Những khoản đầu tư như vậy sẽ giúp VN nâng cao trình độ của lực lượng lao động, gia tăng chuỗi giá trị sản xuất và thu hút các nhà cung ứng khác.
"Với sự chuyển dịch then chốt từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang những lĩnh vực sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao, Chính phủ VN đang đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhiều khoản đầu tư chất lượng hơn và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đài Loan. Các hoạt động sản xuất phức tạp như sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất có khả năng vẫn được đặt tại Đài Loan trong tương lai gần, song sẽ được chuyển dịch đến ASEAN và VN trong những thập kỷ tới, khi nhu cầu tăng cao và chuỗi cung ứng tại khu vực ngày càng phát triển hơn", bà Daphne Lee nhấn mạnh.
Lợi thế của VN là rõ ràng, nhưng Giám đốc Công ty TNHH Alliance Global Service, ông David Hoàng, nhấn mạnh để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, VN cần phải có cơ sở hạ tầng và năng lực cụ thể. Hiện tại, nhu cầu cấp thiết của các DN bán dẫn không phải là thiết kế chip, mà là đóng gói chip, một lĩnh vực rất quan trọng. Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, khi các DN chuyển bớt cơ sở khỏi Trung Quốc, họ cần rất nhiều nhà cung cấp, đối tác có thể thay thế Trung Quốc, mà trong ngành bán dẫn thì họ cần các công ty đóng gói, kiểm thử chip. "Khi thế giới công nhận VN là một lựa chọn đầu tư tiềm năng, thì chúng ta phải tập trung vào những điểm mạnh mà mình có thể thực hiện ngay lập tức, thay vì chỉ chạy theo những mục tiêu quá xa vời mà chúng ta chưa thể đạt được. Nhiều người có thể chưa nhận thức được quy mô thực sự của khâu đóng gói, kiểm thử chip trong ngành công nghiệp bán dẫn. Năm 2021, toàn thế giới sản xuất khoảng 1.150 tỉ con chip cho smartphone, laptop, xe hơi và các thiết bị khác. Nếu tính trung bình, mỗi con chip dù đắt hay rẻ đều có chi phí gia công khoảng 10 xu, thì tổng giá trị gia công đã lên đến hơn 100 tỉ USD. Đây là một thị trường khổng lồ mà chúng ta có thể nhắm đến", ông David Hoàng nhận xét.
GS-TS Đặng Lương Mô thì lại cho rằng VN nên tập trung công đoạn của "nhà giàu" và sử dụng nhiều hàm lượng chất xám, nhất là thiết kế chip và ứng dụng chip, bởi VN đã có lịch sử phát triển thiết kế, kiểm thử 20 năm qua nên có thể tiếp tục đi con đường này lên một tầm cao mới. "Quy trình chế tạo chip vi mạch gồm thiết kế, chế tạo, kiểm tra và đóng gói. Đại diện cho cả 4 công đoạn này tại VN đều có nhiều DN lớn nước ngoài thực hiện. Chẳng hạn, đại diện cho thiết kế là Qualcomm và hầu hết các công ty thiết kế vi mạch hiện đang hoạt động ở VN; đại diện cho chế tạo là TSMC; đại diện cho quy trình đầu cuối và đóng gói là Intel Việt Nam. Trong bốn công đoạn kể trên, thiết kế và sáng tạo đòi hỏi công nghệ cao, kỹ năng cao và cũng là những công đoạn tốn tiền hơn cả. Và sự tiến bộ của công nghệ vi mạch cho đến nay chủ yếu tập trung vào hai công đoạn này do chúng được ưu tiên đầu tư cả về tiền bạc và nhân lực. VN nên chọn khâu khó này bởi chúng ta đã có tiềm lực lớn", GS Đặng Lương Mô khuyến nghị.
Nói về tiềm năng thu hút đầu tư để xác lập vị thế VN trên bản đồ vi mạch thế giới, PGS-TS Phạm Thị Thanh Bình (Đại học Mở Hà Nội) đánh giá: Không chỉ Đài Loan, thu hút FDI của VN đối với các "đại bàng" từ nhiều quốc gia khác sẽ có nhiều triển vọng trong năm nay vì nhiều tập đoàn quốc tế đang muốn chuyển hướng khỏi Trung Quốc.
Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2025 - 2030 của VN là tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Theo PGS-TS Phạm Thị Thanh Bình, giai đoạn tới, chúng ta có khá nhiều cơ hội, bởi mô hình Phát triển Đông Á (East Asia Development Model -EADM) chú trọng sản xuất sản phẩm cho xuất khẩu như điện thoại, đồ điện tử gia dụng, quần áo, nên đóng góp của lĩnh vực sản xuất vào GDP của các nền kinh tế phát triển châu Á đều trên 30% khi đạt mức cao nhất. VN hứa hẹn trở thành đối tác quan trọng trong đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn đa dạng và linh hoạt. Thứ hai, mức đóng góp của lĩnh vực sản xuất vào GDP của VN hiện vẫn thấp, ở dưới 25%, cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai của lĩnh vực sản xuất còn rất lớn. Hơn nữa, VN đang là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao. Cùng với Thái Lan và Indonesia, VN có sự tăng vọt tỉ trọng FDI của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Tập đoàn Apple của Mỹ cũng khẳng định sẽ đưa hoạt động thiết kế sản xuất iPad sang VN. Đây là những lợi thế rất lớn để các "đại bàng" công nghiệp công nghệ cao tin tưởng chọn VN để "làm tổ".
"Để gia tăng khả năng thu hút vốn FDI trong những năm tới, chúng ta cần tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng (giao thông, kho vận) và nâng cao độ mở của môi trường kinh doanh, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính rườm rà và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư FDI phối hợp với cơ quan quản lý trong quá trình xin cấp phép đầu tư. Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai. VN có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá VN giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài cam kết mở rộng đầu tư vào VN trong thời gian tới. Vì vậy, VN cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài. Triển vọng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định cùng với tiềm năng tăng trưởng kinh tế tạo sức hấp dẫn của VN đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới", PGS-TS Phạm Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)