'Đại bàng chiến' F-15 chưa từng thua, Không quân Mỹ vẫn muốn cho nghỉ hưu sớm

19/05/2024 14:17 GMT+7

Máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ từng được xem là biểu tượng về năng lực ưu việt trên không, khi chưa từng thua trong một trận không chiến.

F-15 được đánh giá là một trong những máy bay chiến đấu thành công nhất của Không quân Mỹ và là chứng nhân của nhiều chiến dịch lớn mà Washington phát động ở Trung Đông trong thập niên 1990. Khi Iran phóng hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào Israel hồi tháng 4, những chiếc F-15 của Mỹ và Israel cũng đã được triển khai để đánh chặn.

'Đại bàng chiến' F-15 chưa từng thua, Không quân Mỹ vẫn muốn cho nghỉ hưu sớm- Ảnh 1.

Tiêm kích F-15 thả mồi bẫy khi hoạt động tại Afghanistan năm 2008

KHÔNG QUÂN MỸ

Trong biên chế Không quân Mỹ, “Chim ăn thịt” F-22 được cho là tiêm kích không chiến tốt nhất, F-16 có số lượng nhiều nhất, thì chiếc tiêm kích với biệt danh “Đại bàng chiến” F-15 là máy bay “cân bằng nhất” về số lượng, khả năng chiến đấu và giá thành.

Một trong những thành tích đáng chú ý của F-15 là chưa từng thua trong một trận không chiến, trong khi đã hạ gục khoảng 103 máy bay đối thủ, theo chuyên trang phân tích về máy bay chiến đấu MiGFlug (Thụy Sĩ).

Tuy nhiên, Không quân Mỹ năm ngoái đã đề xuất quốc hội loại biên 119 chiếc F-15E trong 5 năm tới, chỉ để 99 chiếc trong biên chế, theo Tạp chí Air & Space Forces. Giới quan sát đã bất ngờ với đề xuất này, do Lầu Năm Góc cũng đang chật vật trong việc duy trì số lượng máy bay chiến đấu tối thiểu là 1.900 chiếc.

Không quân Mỹ đón thế hệ 'Đại bàng' mới F-15EX

Biểu tượng về sự bền bỉ

Những chiếc F-15 đầu tiên đã bay thử vào năm 1972 và được đưa vào biên chế Không quân Mỹ 4 năm sau đó. Trong bài bình luận được đăng trên The Telegraph ngày 17.5, phóng viên quân sự người Mỹ David Axe cho rằng trong kịch bản xảy ra xung đột, F-15 sẽ là phi đội tiên phong, khi loại tiêm kích nặng 16 tấn này bay nhanh hơn các máy bay chiến đấu khác của Mỹ, mang được nhiều loại đạn dược, cũng như đã được nâng cấp hệ thống radar và gây nhiễu.

Thiết kế của F-15 sử dụng hoàn toàn vật liệu bằng kim loại. Việc có khối lượng nhẹ và hai động cơ mang lực đẩy cao giúp chiếc tiêm kích có thể ngoặc gấp mà không bị giảm tốc độ. Máy bay được trang bị radar có thể nhận diện mục tiêu di chuyển gần mặt đất mà không bị gây nhiễu bởi ngoại cảnh. F-15 có thể đạt độ cao 9.100 m trong 60 giây và bay hơn 5.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu, theo chuyên trang hàng không AeroTime.

Sự bền bỉ của F-15 một lần được chứng minh khi phi công của Israel vào năm 1983 đã hạ cánh an toàn với chiếc tiêm kích bị mất một bên cánh sau cú va chạm trên không. AeroTime cho hay "Đại bàng chiến" còn là máy bay đầu tiên và duy nhất đến nay hạ gục mục tiêu ngoài không gian, khi phi công Mỹ Wilbert Pearson vào năm 1985 đã lái F-15 bắn vệ tinh Solwind P78-1 trong buổi thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh.

'Đại bàng chiến' F-15 chưa từng thua, Không quân Mỹ vẫn muốn cho nghỉ hưu sớm- Ảnh 2.

Máy bay F-15 của Không quân Israel từng mất một bên cánh sau vụ va chạm và hạ cánh an toàn hồi năm 1983

CHỤP MÀN HÌNH YOUTUBE

Dù với mục đích ban đầu là thiết kế cho Không quân Mỹ, thống kê của MiGFlug chỉ ra Không quân Israel mới là lực lượng lập nhiều chiến tích với F-15 hơn, khi mục tiêu đầu tiên, cũng như hơn 50% mục tiêu bị F-15 hạ gục, đến từ phi công Israel.

Quốc hội Mỹ phản đối

Kế hoạch của Không quân Mỹ là mua phiên bản nâng cấp F-15EX và cắt giảm những chiếc F-15 cũ. Ý định giữ biên chế chưa đầy 100 chiếc chỉ đủ số lượng trang bị cho khoảng 6 phi đội, trong khi lực lượng Mỹ đang có hơn 50 phi đội chiến đấu cơ, ông David Axe cho hay.

"Lưỡi tầm sét" A-10 của Mỹ sắp tìm được nhà mới?

Báo cáo của không quân chỉ ra quyết định này sẽ giúp Mỹ tiết kiệm 600 triệu USD mỗi năm và có đủ ngân sách để đầu tư thêm 40 máy bay tàng hình F-35. Song Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất F-35 bị cho là chậm tiến độ thử nghiệm những phiên bản tiêm kích mới.

Air & Space Forces ngày 14.5 đưa tin Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã bác đề xuất của Không quân Mỹ - đề nghị loại biên 26 chiếc F-15E trong ngân sách năm 2025. Trước đó, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) có hiệu lực đã giới hạn chỉ được loại biên 68 máy bay F-15E đến năm 2029, thay vì 119 chiếc như đề xuất ban đầu.

'Đại bàng chiến' F-15 chưa từng thua, Không quân Mỹ vẫn muốn cho nghỉ hưu sớm- Ảnh 3.

Tiêm kích F-15 cất cánh ở bang Alaska, Mỹ năm 2021

KHÔNG QUÂN MỸ

Mỹ cũng dần loại biên những chiếc tiêm kích cũ không được cải tiến, khiến giới quan sát đặt nghi vấn về khả năng Lầu Năm Góc duy trì đủ số lượng máy bay chiến đấu cần thiết. Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch phát triển máy bay tàng hình thế hệ mới để thay cho F-22, vốn đã có vòng đời 25 năm, nhưng đây là câu chuyện của tương lai xa.

Có nhiều lập luận về lý do F-15 bị quân đội muốn cho nghỉ hưu, một trong số đó là vấn đề động cơ. 119 chiếc F-15 cũ sử dụng động cơ Pratt & Whitney F100-PW-220E tạo ra lực đẩy 10,5 tấn mỗi động cơ, trong khi 99 chiếc mới hơn dùng phiên bản F100-PW-229 tạo lực đẩy 13,1 tấn. Về cơ bản là những chiếc F-15 mới sẽ mạnh hơn, song không có nghĩa phiên bản cũ đã “hết thời”, ông Axe nhận định.

Mỹ có tiềm lực kinh tế và công nghệ để phát triển những máy bay hiện đại là điều không phủ nhận. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Stacie Pettyjohn từ Trung tâm An ninh Mới ở Mỹ (CNAS) đã lấy tình hình xung đột tại Ukraine để chỉ ra thực tế rằng số lượng và hiệu quả chi phí cũng quan trọng không kém khi tính đến năng lực quân sự, đặc biệt đối với hình thái xung đột kéo dài, theo Business Insider ngày 17.5.

Những chiếc F-15EX đầu tiên mà Mỹ mua vào năm 2021 có giá 80 triệu USD mỗi chiếc, được đánh giá lựa chọn hiệu quả trên giá thành tốt hơn so với F-35, theo AeroTime.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.