Thảo luận về dự án luật Đầu tư sửa đổi sáng 20.11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục kinh doanh có điều kiện thay vì để “trống” như hiện nay.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu vấn đề, ông không tìm thấy kinh doanh nước sạch trong danh mục kinh doanh có điều kiện của dự thảo luật. “Tôi đề nghị xem lại kinh doanh nước sạch có thuộc mục kinh doanh thực phẩm hay không. Nếu không thì đề nghị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện”, đại biểu Nghĩa đề xuất.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, dẫn lại vụ việc đổ dầu thải vào nguồn nước của Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp, đã ảnh hưởng tới sức khoẻ hàng triệu người dân thủ đô, chưa kể phải tốn chi phí sục rửa đường ống, bể chứa nước...
"Cảnh người dân xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước cách đây vài chục năm vừa lặp lại ở thủ đô sau sự cố đổ nguồn dầu thải và nguồn nước sạch sông Đà đã gây bất bình trong dư luận", bà Thu nói, và đề nghị các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch cần rà soát chặt chẽ và phải được luật hoá.
"Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý nhà nước, rủi ro sức khoẻ người tiêu dùng và ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố", Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ nói.
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) thống nhất đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì liên quan "an ninh nguồn nước". Song, ông lưu ý không nên phân biệt đối tượng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nước sạch. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, ông Bình nói, đã tạo sự cạnh tranh, phát triển cho ngành nước sạch.
Nước sạch ở đô thị phải là vấn đề an ninh
Tiếp tục đăng ký phát biểu lần 2, đại biểu Trương Trọng Nghĩa giải thích thêm, ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, song cho rằng, nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, phải là vấn đề an ninh.
Theo đại biểu, ở các nước, với một số lĩnh vực người ta không cho chuyển nhượng khi tác động tới an ninh quốc gia và Việt Nam cũng nên suy nghĩ, thiết kế công cụ tương tự.
“Cần cảnh giác đề phòng thế lực khủng bố có ý đồ xấu, lợi dụng việc này. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua xong họ lại bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước khác, nhất là những nhà đầu tư ở thiên đường thuế trong khi vốn chỉ vài nghìn USD”, ông Nghĩa phân tích.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị cần có thủ tục để kiểm soát việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, tránh tình trạng “tay không bắt giặc”, hay các “dự án lòng vòng”.
Dẫn thông tin các nhà đầu tư người Thái nắm quyền kiểm soát vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia ban kiểm soát nhà máy nước sông Đuống, Phó trưởng Ban Dân nguyện bày tỏ sự lo lắng và đề nghị cần xem nhà đầu tư có thực sự làm dự án kinh doanh phục vụ nhân dân hay không hay chỉ kiếm lợi nhuận rồi đẩy rủi ro cho người khác, nhất là nhân dân.
Bình luận (0)