Chia sẻ tại phiên thảo luận chương trình giám sát của Quốc hội sáng 27.5, đại biểu Trần Hoàng Ngân thẳng thắn chỉ rõ kinh tế đang suy giảm, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 25% trong 4 tháng đầu năm.
Đồng tình nội dung giám sát Nghị quyết 43/QH/2022 về gói phục hồi kinh tế, song ông "mong muốn sau giám sát phải có sự chuyển đổi. Theo chương trình, sau năm 2024 mới xong giám sát Nghị quyết 43 thì e rằng đã muộn".
Đại biểu đoàn TP.HCM cũng lý giải, nếu kinh tế tăng trưởng dưới 3%, thất nghiệp sẽ gia tăng. Báo cáo số lao động mất việc làm thời gian gần đây rất lớn, dù không có con số cụ thể nhưng có thể hình dung khoảng 500.000 lao động mất việc làm. Ông cũng rất mừng khi hôm qua Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ, ngành phải làm ngay, giải quyết ngay khó khăn của các doanh nghiệp.
Với gói phục hồi của Nghị quyết 43, dự trù 301.000 tỉ đồng, nhưng sau 1 năm rưỡi mới giải ngân được 29%, trong khi gói thời hạn chỉ 2 năm. "Rất mong Thủ tướng chỉ đạo đề xuất Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn, hỗ trợ an sinh xã hội, gia đình chính sách", ông Ngân nói
Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, hiện tổng cầu thế giới suy giảm, tổng cầu trong nước cũng suy giảm, siêu thị khuyến mại nhiều nhưng doanh thu rất khó. Trong số các gói triển khai, chỉ một gói tương đối tốt là hạ tầng. Thủ tướng, phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ ngày lễ, tết cũng lăn xả giám sát công trình nên các dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai khá hiệu quả.
"Nhưng gói tiền tệ chưa hiệu quả. Nếu đọc số liệu thì nghĩ giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách. Nhưng năm 2022 giảm thuế, thu ngân sách dự toán ban đầu 1,4 triệu tỉ đồng, cuối năm thu 1,8 triệu tỉ đồng. Giảm thuế rất cần thiết, góp phần tăng doanh thu, giải quyết việc làm", đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết với đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp về an sinh xã hội, hôm nay có Thủ tướng tham dự, đề nghị Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nghiên cứu để báo cáo tiếp thu giải trình trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội.
Không khai thông bất động sản, nguy cơ khủng hoảng như năm 1997
Góp ý thảo thuận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết các cuộc giám sát đã tìm được sự khác biệt giữa số liệu báo cáo và số liệu giám sát. Theo ông, vấn đề quan trọng khi giám sát không phải tìm ra sai sót là chính mà phải tìm ra giải pháp.
Với nội dung giám sát năm 2024, đại biểu này đề xuất lựa chọn chuyên đề 1 (thực hiện Nghị quyết 43/2022 về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế) và chuyên đề 4 (thực hiện chính sách về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan).
Lý do, theo ông, nếu kinh tế phát triển trong điều kiện thông thường thì rất dễ, nhưng trong tình huống khẩn cấp, phải ứng phó như Nghị quyết 43 đưa ra cả gói tài khóa để kích cầu kinh tế trong 2 năm.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện đến đâu cũng cần giám sát để rút bài học kinh nghiệm. Ví dụ, gói kích thích 395.000 tỉ đồng, dành 113.500 tỉ đồng tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu.
"Theo báo chí đăng thì vẫn còn 1 triệu tỉ đồng nằm trong Ngân hàng Nhà nước không giải ngân được. Vậy việc đưa 113.500 tỉ đồng tập trung cho hạ tầng để kích thích phát triển kinh tế, kích cầu thì nền kinh tế có hấp thụ được hay không, hay không quen ứng phó với tình huống khẩn cấp?", đại biểu Huân nói, và cho rằng, riêng thủ tục phê duyệt các dự án hạ tầng cũng mất đến 2 năm, hết thời hạn gói kích cầu.
Theo đại biểu đoàn Bình Dương, bất động sản chìm lắng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế. Năm 2022, kinh tế phát triển ngoạn mục nhưng quý 1 đang chững lại. "Bất động sản ngừng lại, một mạch máu chính của nền kinh tế ngừng lại cần phải khai thông. Nếu không làm gấp, làm nhanh cũng sẽ như khủng hoảng kinh tế năm 1997, bắt đầu từ khủng hoảng bất động sản của Thái Lan", ông Huân nói.
Bình quân mỗi tháng có 19.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho biết trong tháng 4, cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 9.610 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,9% so với tháng trước và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, có tới 7.163 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 72,7% so với tháng trước và 5.837 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 69,1%. Hơn 1.500 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 78.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có 19.700 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường từ đầu năm đến nay là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bình luận (0)