Đừng để giám sát như lưỡi dao chặt xuống nước
Sáng 21.7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cho ý kiến về chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội.
Trình bày tờ trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có 10 nhóm lĩnh vực với 127 vấn đề được đưa ra lựa chọn giám sát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Nêu ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu thống nhất với tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song nhắc lại câu chuyện về hiệu quả "hậu giám sát".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM), nhận định, sau khi Quốc hội giám sát thì các báo cáo hậu giám sát rất ít nên đại biểu không biết giám sát xong thì đơn vị, địa phương thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào.
Đại biểu Ngân cũng kiến nghị, cần sớm xây dựng quy chế và quy trình cho đại biểu Quốc hội và tổ đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát.
Cho biết mình tham gia Quốc hội khóa này là khóa thứ 3, song khi muốn thực hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội còn lúng túng, đại biểu Ngân bày tỏ mong muốn có cơ chế, hướng dẫn để 1, 2 đại biểu Quốc hội cùng nhau họp lại, hợp sức giám sát về một vấn đề nào đó.
Ông Ngân cũng đề nghị bổ sung vấn đề giám sát gói hỗ trợ những người ảnh hưởng bởi Covid-19 năm 2020 là 62.000 tỉ đồng và năm nay là 26.000 tỉ đồng vẫn đang "hết sức khốc liệt".Đồng tình với đại biểu Ngân, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, phải giao “hậu giám sát” cho cơ quan theo dõi, báo cáo lại Quốc hội.
Theo ông Kim, các địa phương, đối tượng được giám sát đã làm được gì, nếu không sẽ như “lưỡi dao chặt xuống nước, rút lên rồi nước lại bằng phẳng”. Với giám sát với các ngành và Chính phủ, các ngành cũng phải báo cáo các kiến nghị thực hiện ra sao, phù hợp không, có hành động cụ thể thực hiện “hậu giám sát”.
Vấn đề nhân dân đang bức xúc
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), đề nghị thay 2 chuyên đề giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và địa giới hành chính bằng 2 chuyên đề mà ông cho là các vấn đề "nhân dân đang bức xúc" là việc thực hiện luân chuyển cán bộ và thực hiện chính sách pháp luật về tài sản công trong các đơn vị nhà nước.
Dẫn ví dụ một phó chủ tịch phường tại Khánh Hoà đã nhận thức về chống dịch rất ấu trĩ khi xử phạt một người dân đi mua bánh mì vì cho rằng bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu, ông Vân phân tích: "Phó chủ tịch phường này là một cán bộ luân chuyển từ phòng chuyên môn của huyện về. Phường là mắt xích cuối cùng nối chính quyền với nhân dân thì uy tín của Đảng, nhà nước thế nào?"
Cũng theo ông Vân, mới đây, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã phải loại 1 đại biểu Quốc hội trúng cử vì chưa đủ tư cách với các sai phạm kéo dài nhiều năm trước đó.
"Điều đó cho thấy công tác triển khai tổ chức nhân sự có lúc tuỳ tiện thiếu nhất quán, không chọn đúng người. Nếu giám sát chuyên đề này có kết quả sẽ là động lực mạnh mẽ cho Quốc hội, Chính phủ xốc lại đội hình, thực hiện tốt nhiệm vụ 5 năm tới”, ông Vân đánh giá.
Đối với vấn đề tài sản công, ông Vân cho rằng, thời gian qua vi phạm nhiều nhưng rất ít giám sát, các hình thức vi phạm tinh vi, chuyển hoá công sản sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình. Song, tới nay vẫn chưa có đợt giám sát cao trào nào, cũng như chưa có giám sát tối cao của Quốc hội.
“2 nội dung giám sát này theo tôi cấp bách hơn cả, một là thể chế của nhà nước, một là thể chế về kinh tế tạo ra xung lực mới của Quốc hội và Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của nhân dân”, ông Vân đề xuất.
Đề nghị giám sát các vụ án, vụ việc kéo dài
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, việc xây dựng chương trình giám sát hàng năm như hiện nay là kiểu "ăn đong", chỉ giải quyết những vấn đề có tính ngắn hạn mà chưa có tầm nhìn bao quát về nội dung giám sát cho cả nhiệm kỳ, giai đoạn.
|
Từ đó, ông Thắng đề nghị đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội bằng đề án trong đó xác định nội dung giám sát có tính tổng quan cho cả nhiệm kỳ khóa XV. Trên cơ sở đó, hàng năm Quốc hội sẽ xem xét lựa chọn các nội dung chuyên đề để giám sát có tầm nhìn, lộ trình toàn diện và căn bản hơn. Trong trường hợp tình hình phát sinh đột xuất thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội điều chỉnh bổ sung nội dung giám sát linh hoạt và phù hợp.
Đại biểu Quảng Trị cũng đề nghị trong chuyên đề giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Quốc hội cần giám sát việc giải quyết các vấn đề vụ việc, vụ án, bức xúc kéo dài, những vấn đề cử tri nhiều địa phương quan tâm, được các đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội kiến nghị qua nhiều kỳ họp mà chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng.
"Cần áp dụng vận hành cơ chế hoạt động của Ủy ban Lâm thời Quốc hội quy định điều 88 - 89 luật Tổ chức Quốc hội để lựa chọn một số vụ việc, vụ án tiêu biểu đưa vào chương trình giám sát đặc biệt trong nhiệm kỳ Quốc hội, để giúp cho công lý được bảo vệ, quyền lợi, ích chính đáng, hợp pháp của công dân được bảo vệ như pháp luật quy định", ông Thắng đề nghị.
4 chuyên đề dự kiến Quốc hội sẽ giám sát trong năm 2022
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung)
|
Bình luận (0)