Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng: Tại sao tội phạm thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, nghiêm trọng?

14/12/2022 13:02 GMT+7

Trong phiên thảo luận chung kỳ họp thứ 10, HĐND TP. Đà Nẵng khóa 10 diễn ra sáng 14.12, đại biểu Trần Tuấn Lợi nêu nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội .

Cảm hóa, giáo dục hơn 4.700 thanh thiếu niên

Đại biểu Trần Tuấn Lợi cho hay, qua báo cáo của UBND TP và báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP, Công an TP, thời gian gần đây, tình trạng thanh niên thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật diễn biến khá phức tạp.

Tính chất mức độ của tình trạng này ngày càng nguy hiểm, nghiêm trọng, như: giết người, lừa đảo, tổ chức đánh bạc, đánh bạc công nghệ cao, trộm cắp tài sản… Đặc biệt, trong thời gian qua, khi kiểm tra các quán bar, karaoke, nhà hàng, vũ trường đều phát hiện thanh thiếu niên tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy.

Đại biểu Trần Tuấn Lợi nêu thực trạng tội phạm thanh thiếu niên đang gia tăng trên địa bàn TP.Đà Nẵng

S.X

Theo báo cáo của Công an TP.Đà Nẵng, trong 10 tháng đầu năm 2022, đã điểm danh, kiểm diện 5.616 đối tượng; răn đe, cảm hóa, giáo dục 4.729 đối tượng hình sự trên địa bàn; đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng 5 trường hợp; lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường 69 trường hợp; xử lý hành chính về trật tự xã hội 383 vụ/1.071 đối tượng.

Đặc biệt, đã kịp thời ngăn chặn 28 vụ thanh thiếu niên tụ tập thành băng, nhóm, sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, xử lý 14 vụ để đưa ra xét xử, lên danh sách 381 thanh thiếu niên hư, có nguy cơ tụ tập thành băng nhóm, nhằm thông báo cho gia đình, chính quyền địa phương phối hợp quản lý.

Nguyên nhân do đâu?

Theo đại biểu Trần Tuấn Lợi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng là do sự giáo dục chưa tốt từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, có nguyên nhân cơ bản là thiếu sự giám sát, quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình.

Những thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật thường không được gia đình giáo dục, giám sát đến nơi đến chốn. Cũng có thể có gia đình khó khăn, cha mẹ phải kiếm sống nên thiếu sự quan tâm hoặc cha mẹ ly hôn. Không loại trừ những gia đình khá giả, cha mẹ lo làm ăn kinh tế, nuông chiều, không dành thời gian chăm sóc con em mình.

Một số em bỏ học, không đến trường nên nhận thức và khả năng tiếp thu hạn chế, dễ dẫn đến phạm tội và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc bùng nổ các phương tiện nghe nhìn, internet nhưng kiểm soát chưa chặt chẽ như hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến thanh thiếu niên phạm tội.

Đặc biệt, ở lứa tuổi vị thành niên, các em chưa nhận thức được việc làm của mình nên hành động phạm tội của các em thường dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Gia đình phải biết "con chơi với ai"

Đại biểu Trần Tuấn Lợi cho rằng, muốn hạn chế thanh thiếu niên phạm tội, trước hết cần phải đề cao vai trò của gia đình đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Vai trò của gia đình có tính chất quyết định, sau đó mới đến nhà trường, xã hội.

Công an tạm giữ 19 thanh, thiếu niên tham gia vụ hỗn chiến trong đêm 11.10 vừa qua trước cổng chào thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang

C.T.V

"Xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa mà trong đó cha mẹ luôn quan tâm, chăm sóc, tạo mọi điều kiện cho con em mình phát triển về mặt tinh thần, thể chất, là môi trường thuận lợi để thanh thiếu niên trở thành những công dân tốt", ông Lợi nói và cho biết thêm: "Giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự phối hợp chặt nhằm tăng cường giáo dục toàn diện để thanh thiếu niên hiểu biết pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội. Từ đó hướng nhận thức, tình cảm của lứa tuổi vào những hoạt động có ích cho gia đình, xã hội và bản thân".

Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả những chương trình cho thanh thiếu niên về mọi mặt, bồi dưỡng văn hóa, khuyến khích học tập, lao động, hỗ trợ việc làm, sân chơi lành mạnh phù hợp với từng lứa tuổi. Mỗi một gia đình cần chăm sóc hơn nữa con em mình, thực sự là chỗ dựa đầu tiên, đặc biệt là trong lứa tuổi vị thành niên.

"Bên cạnh đó, cần quan tâm đến mối quan hệ của con, con chơi với ai, bạn con như thế nào để kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực trong suy nghĩ và ngăn cản những hành vi có thể vi phạm pháp luật. Gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan liên quan cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quan tâm đến tâm sinh lý, hành vi, hành động để phát hiện những bất thường, kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ phạm tội mới manh nha", ông Lợi nhấn mạnh.

Nhận định hiện nay, lối sống xa hoa, hưởng thụ đang tồn tại ở một bộ phận thanh thiếu niên, ông Lợi cho rằng, nếu trẻ em không được quan tâm, giáo dục thì rất dễ sa ngã. Những thanh thiếu niên lêu lổng, mải chơi, thiếu sự giáo dục của cha mẹ có thể kết thành bè nhóm dễ dàng tìm thấy nhau trên các nhóm, hội mạng xã hội.

Theo đại biểu Lợi, nhiều người mặc định công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên là nhiệm vụ riêng của ngành công an. Tuy nhiên, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… cần nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trong lứa tuổi có nguy cơ phạm tội; quan tâm xây dựng các sân chơi bổ ích, nhằm tạo điều kiện, môi trường tích cực, giúp thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội.

"Có như vậy, công tác phòng ngừa tội phạm thanh thiếu niên mới đạt kết quả tốt", ông Lợi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.