Đại biểu HĐND TP.HCM lo lắng về nghịch lý nguồn vốn đầu tư công

08/12/2019 15:36 GMT+7

Một nghịch lý lạ lùng là vừa thiếu vốn, lại vừa thừa vốn, khi thừa vốn, TP.HCM cố gắng chuyển vốn sang dự án có tính khả thi cao, nhưng những dự án này lại không nhiều, theo đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng.

Sáng 8.12, HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp cuối năm. Các đại biểu băn khoăn trước tình trạng nguồn vốn đầu tư công được phân bổ đã ít nhưng tiến độ giải ngân lại chậm khiến nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả.

Chi đầu tư phát triển đạt 72% thì sao phát triển?

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang phân tích các khoản thu không đạt gồm thu nội địa, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập cá nhân. Từ đó có thể thấy các hoạt động kinh tế, nguồn thu nhập từ kinh doanh không đạt như kỳ vọng nên nguồn thu không đạt. "Nếu không có đánh giá, phân tích để thấy tình hình kinh tế 2020 có thuận lợi, khó khăn gì và tập trung giải quyết thì nguồn thu cũng chưa bền vững", ông Quang đặt vấn đề.
Ông Quang cũng băn khoăn với khoản chi cho đầu tư phát triển chỉ đạt 72% dự toán. Theo ông, TP muốn phát triển thì việc chi đầu tư phát triển rất quan trọng và cho rằng TP cần phân tích trong năm 2020 sẽ làm gì để chi cho đầu tư phát triển như kỳ vọng. Ngoài ra, khoản chi cho bảo vệ môi trường cũng không đạt nên các sở ngành và UBND TP.HCM cần phân tích, đánh giá để đại biểu có đầy đủ thông tin trước khi biểu quyết.

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang lo ngại về tiến độ giải ngân đầu tư công

Ảnh: Ngọc Dương

Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công thấp khiến các dự án phải thoái vốn khi triển khai.
"Đây là nghịch lý lạ lùng, vừa thiếu vốn mà lại vừa thừa vốn, khi thừa vốn chúng ta cố gắng chuyển vốn sang dự án có tính khả thi cao. Nhưng những dự án này lại không nhiều nên lại tiếp tục bị kẹt vốn", ông Thắng nhận định.
TP.HCM tổ chức họp hành nhiều để thúc đẩy các dự án, đặt trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm địa phương, nhưng cái cần nhất là vốn. Và dù có cải tiến hết cỡ đi chăng nữa thì cũng loanh quanh vướng về vốn. Vì vậy, Trung ương cần có tỉ lệ điều tiết phù hợp để TP không bị vướng vốn, các dự án thuận lợi, đô thị phát triển nhanh.
“Ngành công nghiệp trọng yếu không được điều tiết đủ vốn nên không thể phát triển. Không có các công trình lớn để tạo niềm tin trong nhân dân. Đây là vấn đề phải cảnh báo, những gì năng động sáng tạo đã làm, nên rất khó để có bước tiến ngoạn mục”, đại biểu Thắng nhận định.

TP.HCM được hưởng 70% thu vượt ngân sách

Trả lời đại biểu, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết số thu xuất khẩu vượt dự toán nhưng thu nội địa thì không đạt. Bà Trang so sánh thu nội địa năm 2018 đạt 244.000 tỉ và dự toán giao 272.000 tỉ (tăng 11,2%) trong khi đó dự toán giao thu xuất nhập khẩu giữ nguyên bằng mức 2018 là 108.000 tỉ đồng. Kết quả, thu xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 121.000 tỉ, vượt dự toán còn thu nội địa chỉ đạt 97,8% (266.000 tỉ đồng).

Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Thu xuất nhập là khoản thu 100% của Trung ương, TP không được hưởng tỉ lệ điều tiết trên tổng thu. Trong Nghị quyết 54, Quốc hội cho phép nếu vượt thu xuất nhập khẩu thì được hưởng 70% số vượt thu. "Sở Tài chính đang tham mưu UBND TP.HCM để xin được thưởng trên phần thu xuất nhập khẩu”, bà Trang thông tin.
Về vấn đề giải ngân nguồn vốn chậm, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tiến độ giải ngân đến cuối tháng 11 đạt 55% kế hoạch, tương đương với tỉ lệ giải ngân cùng thời điểm năm 2018. Cuối năm 2018, tiến độ giải ngân đạt 92% nên Sở KH-ĐT có đủ cơ sở để đưa ra tỉ lệ giải ngân năm 2019 đạt 90%.
Lý giải việc giải ngân chậm, bà Mai cho biết do khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công năm 2014, một số dự án vốn lớn vướng mắc về thủ tục đầu tư, chưa ký kết hiệp định vay.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố sẽ điều tiết nguồn vốn từ các dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân khả thi

Ảnh: Ngọc Dương

Về nguyên nhân chủ quan, nhiều dự án giải ngân chậm do chủ đầu tư không chủ động đề xuất nhu cầu cho từng dự án, không kiểm tra giám sát để báo cáo cấp trên điều chỉnh kế hoạch vốn. Ngoài ra, có 4.000 tỉ đồng chưa thể giải ngân do vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc sắp xếp lại các ban, điều chỉnh chức năng từ Sở Giao thông Vận tải qua Sở Xây dựng nên phải điều chỉnh lại hồ sơ. Các dự án khởi công mới trong năm 2019, chủ đầu tư thường quyết toán vào cuối năm.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm nguyên nhân và điều chỉnh theo hướng dự án nào tốt thì bố trí thêm nguồn vốn, đồng thời cắt nguồn vốn ở các  dự án không hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.