Thảo luận tại hội trường phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND Hà Nội khóa 14 diễn ra sáng 3.7, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco) lo ngại Hà Nội đang gặp rào cản như nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị. Trong khi đó, công nghệ và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một xã hội hoàn toàn mới.
Ông Thường dẫn ra câu chuyện bùng nhùng Uber và Grab thời gian qua thay đổi quan hệ xã hội, thay đổi phương thức làm ăn từ trong gốc rễ. Luật pháp - hay quản lý nhà nước chưa theo kịp cung cách làm ăn mới mà chúng ta không thể chối bỏ được. Liệu chúng ta có tụt hậu trước sự phát triển chóng mặt của xã hội?
Đại biểu Thường cũng cho rằng, Hà Nội hiện có 7,5 triệu dân và sự bùng nổ đô thị sẽ vẫn diễn ra mạnh mẽ. Kéo theo đó là những thách thức của một siêu đô thị mang lại như: việc làm, an sinh, giao thông, môi trường. Do đó, Hà Nội cần kiến tạo một sân chơi và kiểm soát luật chơi mới. Nhưng trên thực tế Hà Nội chưa định hình được “sân chơi kinh tế - xã hội” cho tương lai.
"Vị thế về tài nguyên đất đai của Hà Nội có còn là thế mạnh bất biến, hay sức mạnh về chất xám trí tuệ sẽ giữ vị trí độc tôn trong giai đoạn tới? Cấu trúc đô thị từ ăn ở, đi lại, thưởng thức các giá trị tinh thần có sự thay đổi?", ông Thường nói.
Ông Thường cũng cho rằng, Hà Nội cần định hình khung quy chuẩn về thành phố thông minh, lựa chọn một số nhóm lĩnh vực then chốt, đặc biệt là cải thiện năng lực kiến tạo để phát huy tối đa lợi thế và tăng khả năng cạnh tranh, không chỉ trong nước mà còn phải hướng tới sân chơi khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, đại biểu này cũng cho rằng, ngân sách đầu tư cho giao thông của TP còn khó khăn trong khi tốc độ phương tiện cá nhân tăng tốc độ chóng mặt. Ùn tắc giao thông thêm trầm trọng và đang "đốt" 12.800 tỉ đồng của Hà Nội mỗi năm, không khí ô nhiễm nghiêm trọng...
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết từ nay đến năm 2020 Hà Nội sẽ rà soát thu hồi lại các xe máy cũ nát quá niên hạn.
Theo ĐB Thường, đề án hạn chế phương tiện cá nhân sắp được trình đã đưa ra những giải pháp giảm ùn tắc như lộ trình dừng lưu thông xe máy, nhưng để đảm bảo thành công cần lưu ý những vấn đề quan trọng. Thứ nhất phải tạo được sự đồng thuận từ dư luận. Đây là việc không dễ, bởi thay đổi cả thói quen đi lại gắn với tập quán sinh hoạt của người dân. Thứ hai, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện sang xe buýt cũng phải đồng thời thực hiện chính sách "kéo" - hạn chế phương tiện cá nhân và "đẩy" ưu tiên phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của vận tải công cộng.
Dự kiến trong ngày làm việc thứ 2 của HĐND TP Hà Nội (4.7) các đại biểu sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2021, tầm nhìn đến 2030.
Theo dự thảo tờ trình, Hà Nội dự kiến sẽ dừng xe máy tại các quận nội đô vào năm 2030, khống chế số lượng và quản lý Uber, Grab tương tự taxi truyền thống. Tuy nhiên, tờ trình chính thức được đưa ra không có nội dung thu hồi xe máy cũ nát.
Bình luận (0)