Sáng 1.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) nêu lo ngại việc giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online cũng như kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) |
quochoi |
Theo ông Hải, các lĩnh vực như ngân hàng, kinh doanh, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử, có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải báo cáo.
Ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Nguy cơ rửa tiền qua bất động sản
Đại biểu đoàn Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát. Dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển, đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được.
Ở góc nhìn khác, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), các quy định trong dự luật vẫn còn thiếu và chưa đầy đủ. "Chúng ta chưa dùng khái niệm ảo, tiền ảo hoặc tài sản ảo. Cho nên phải thêm là tài sản ảo, tài sản số hóa và tài sản mã hóa, sẽ bao gồm được rất nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu được sử dụng", ông Nghĩa nêu.
Đại biểu Nghĩa cũng dẫn chứng trên website của Hiệp hội Ngân hàng đã có 4 loại tiền, thứ nhất là tiền điện tử. Thứ 2 là tiền ảo (virtual currency); 3 là tiền mã hóa; 4 là tiền di động.
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, lợi dụng để rửa tiền. Các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng |
quochoi |
Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương, do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.
Bà Chung cũng đề nghị bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại điều 33 của dự thảo luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần.
Chính phủ sẽ bổ sung các đối tượng rửa tiền mới
Giải trình các ý kiến đại biểu về bổ sung dự thảo luật này các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật.
Tuy nhiên, trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng, các hoạt động này chưa được quy định trong văn bản quy định pháp luật hiện hành, vì vậy, chưa nên đưa vào dự thảo luật. Do đó, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Liên quan đến nội dung quy định dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, theo bà Hồng, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam.
Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, nên khi các đối tượng, chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý…
Bình luận (0)