Tránh chồng chéo, lạm dụng
Sáng 26.10, thảo luận trực tuyến về luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp 2, Quốc hội XV, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, cần thống nhất nhận thức mang tính nguyên tắc là lực lượng cảnh sát cơ động trước hết phải tuân thủ luật Công an nhân dân với tư cách là một bộ phận bên trong, cấu thành của lực lượng công an nhân nhân.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận trực tuyến tại Quảng Trị |
gia hân |
Từ đó, đại biểu Thắng cho rằng, quy định về vị trí của lực lượng cảnh sát cơ động “chưa rõ, chưa làm bật lên tính đặc thù của cảnh sát cơ động” và “gần như trùng lắp với luật Công an nhân dân” và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại điều luật này.
Ông Thắng cũng đề nghị cần bổ sung vào dự luật quy định về phạm vị hoạt động của cảnh sát cơ động để không chồng chéo mâu thuẫn với hoạt động của các lực lượng liên quan khác đã được pháp luật quy định, nhất là luật Quốc phòng, luật Biên phòng, luật Cảnh sát biển và đồng bộ với luật Công an nhân dân đã có.
Về quy định thẩm quyền huy động phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động tại dự luật, ông Thắng đề nghị “cần nghiên cứu, rà soát” trên nguyên tắc phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động để tránh xu hướng lạm dụng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, chồng chéo với thẩm quyền của các cơ quan lực lượng khác, xung đột với các quy định pháp luật hiện hành, nhất là luật Quốc phòng, luật Cảnh sát biển Việt Nam, luật Biên phòng Việt nam, luật phòng chống thiên tai…
Về việc điều động cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, ông Thắng đề nghị cần xây dựng điều luật về nguyên tắc, theo đó, việc huy động nhất thiết phải tuân theo các nguyên tắc nhất định, và phải được pháp luật quy định.
“Cảnh sát cơ động chỉ được điều động trong những nhiệm vụ, hoàn cảnh khẩn cấp, phức tạp mà các lực lượng khác không có điều kiện hoặc không thể thực hiện được, phù hợp với chắc năng nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định, tránh tùy tiện, lạm dụng cảnh sát cơ động”, ông Thắng nêu.
Rà soát, đánh giá kỹ tác động
Dành khá nhiều thời gian của phần thảo luận 7 phút cho vấn đề trang bị phương tiện cho cảnh sát cơ động tại dự luật, đại biểu tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, việc dự thảo quy định cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay, tàu biển là chính sách lớn, cần được đánh giá tác động cụ thể.
Luật Cảnh sát cơ động được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và thông qua tại kỳ họp tiếp theo |
gia hân |
Ông Thắng phân tích, các luật hiện hành đã quy định cụ thể phạm vi hoạt động của công an nhân dân, trong đó có cảnh sát cơ động; quân đội, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển. Đồng thời, quy chế phối hợp giữa các lực lượng quân đội với công an, trong đó việc quân đội huy động phương tiện đã được cấp có thẩm quyền quy định và đang thực hiện, vận hành tốt.
“Thực tế khi thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát cơ động cần sử dụng tàu bay, tàu biển không thường xuyên. Mặt khác trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế để các đơn vị quân đội hoặc các lực lượng khác phối hợp, huy động phương tiện thiết bị theo quy định của dự thảo luật Cảnh sát cơ động này”, ông Thắng nêu.
Bên cạnh đó, vẫn theo ông Thắng, hiện nay tàu bay của không quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng liên quan khác đã bố trí khắp các khu vực tác chiến có thể huy động thêm để phối hợp với cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống và bất cứ nơi nào theo yêu cầu, quy định.
Đất nước chúng ta còn khó khăn, nhưng đã dành những ưu tiên rất lớn để trang bị cho các lực lượng vũ trang để thực hiện nhiệm vụ. Đó là tiền của nhân dân, tài sản quốc gia, nhất thiết phải được quản lý, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả, tiết kiệm chứ nhất định không thể có tư tưởng quyền tôi, quyền anh gây lãng phí không cần thiết
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị)
Từ đó, ông Thắng cho rằng nếu vướng quy định trong trong huy động, sử dụng thì xem xét, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung thay vì nhất thiết phải mua sắm riêng cho lực lượng cảnh sát cơ động mới thực hiện được nhiệm vụ.
Ngoài ra, ông Thắng cũng đặt vấn đề: liệu việc trang bị tàu bay cho cảnh sát cơ động thì có làm phát sinh xung đột với điều khoản quản lý bay, làm phức tạp thêm quản lý vùng trời của lực lượng phòng không nhân dân hay không?
“Tôi được biết việc trang bị loại phương tiện này chắc chắn sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn, và nó cần phải được quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Đất nước chúng ta còn khó khăn, nhưng đã dành những ưu tiên rất lớn để trang bị cho các lực lượng vũ trang để thực hiện nhiệm vụ. Đó là tiền của nhân dân, tài sản quốc gia, nhất thiết phải được quản lý, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả, tiết kiệm chứ nhất định không thể có tư tưởng quyền tôi, quyền anh gây lãng phí không cần thiết”, ông Thắng nhấn mạnh, và nêu câu hỏi: có nhất thiết trang bị riêng phương tiện tàu bay, tàu thủy cho cảnh sát cơ động mới thực hiện được nhiệm vụ không khi mà chúng ta có sẵn phương tiện để huy động, sử dụng khi cần thiết?
“Đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Thắng nói, đồng thời đề nghị Bộ Công an có báo cáo Quốc hội tình hình, hiệu quả hoạt động và đóng góp của lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh đối với phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự thời gian qua.
Bình luận (0)