Đại biểu lo nước ngoài ‘bơm’ tiền, thâu tóm doanh nghiệp lớn của Việt Nam

16/06/2020 17:25 GMT+7

Nếu chúng ta không cứu, trong tương lai khu vực doanh nghiệp tư nhân tại những lĩnh vực kinh tế trọng yếu có thể sẽ nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài .

Thảo luận tại hội trường sáng nay, 16.6, về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020 sáng 16.6, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng thương mại - Công nghiệp Việt Nam), cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, việc quan trọng không kém là phải hỗ trợ cho một số ngành và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19, đặc biệt là các DN lớn trong nền kinh tế, dự án trọng điểm.
Theo ông Lộc, các DN này đang đứng trước nguy cơ rình rập của tình trạng mua bán, sáp nhập DN. Hình thức mua không chỉ chính danh mà còn chuyển tiền từ nước ngoài qua người Việt Nam, DN Việt Nam để thâu tóm các DN tiềm năng, các dự án trọng điểm, các lĩnh vực kinh tế cốt lõi trong tay các doanh nghiệp lớn của khu vực tư nhân.
“Nếu chúng ta không cứu họ, chúng ta không hỗ trợ cho họ thì trong tương lai, nền kinh tế của chúng ta, khu vực DN tư nhân của chúng ta còn nắm được những lĩnh vực kinh tế trọng yếu không, hay là sẽ nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Lộc cảnh báo.

Chủ tịch VCCI, Vũ Tiến Lộc lo ngại doanh nghiệp Việt bị thâu tóm

Ảnh Ngọc Thắng

Vị đại biểu của Thái Bình cũng đề nghị Quốc hội xem xét cùng với việc ban hành nghị quyết về hỗ trợ cho DN nhỏ thì cần phải có ngay một phương án phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng nhà nước để xây dựng một phương án hỗ trợ cho các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng và đang gặp khó khăn như du lịch, hàng không. Phương án hỗ trợ quan trọng nhất là giãn, hoãn các khoản phải nộp.
“Làm sao Bộ Tài chính có thể cấp thêm tiền cho ngân hàng để chúng ta có thể đưa ra những gói hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn cho phát triển các lĩnh vực này, điều này đang vô cùng bức thiết, nếu chúng ta muốn vực dậy được ngành hàng không, ngành du lịch và các dự án trọng điểm rất nhạy cảm, liên quan đến an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng của chúng ta”, ông Lộc nói thêm.
Chia sẻ lo ngại này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị hỗ trợ đối với DN vừa và DN lớn. “Có những DN mất rất nhiều tiền, ví dụ như ngành hàng không mất biết bao nhiêu ngàn tỉ đồng. Không được miễn, giảm phần trăm nào mà người ta vẫn khó khăn. Cho nên tôi nghĩ rằng đối tượng nhỏ được miễn rồi nhưng đối tượng còn lại thì tùy theo tính chất đặc thù và khả năng hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng DN để hỗ trợ”, đại biểu Hoà nêu ý kiến.
Vẫn theo vị đại biểu của Đồng Tháp, thời gian qua, DN lớn cũng đóng góp cho nhà nước và ngân sách rất nhiều, giờ các đối tượng này gặp khó khăn, nguy cơ phá sản bị thâu tóm sẽ rất nguy hiểm. Do đó, tùy theo đối tượng và liều lượng miễn giảm bao nhiêu phần trăm đó, nên giao Chính phủ và Bộ Tài chính xây dựng về dung này.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.