Đại biểu QH: ‘Cử tri nói chúng ta làm luật nặng lợi ích nhóm, lợi ích ngành’

31/05/2019 20:04 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng hệ thống pháp luật hiện nay không đồng bộ, thống nhất, nặng tính chắp vá, chạy theo thực tiễn.

Vì đâu bất ổn, tồn tại tăng tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế?

Phát biểu gần cuối phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội diễn ra trong 1 ngày rưỡi (30 - 31.5), đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho biết, dù khẳng định những thành tựu đạt được trong những năm qua, những tháng cuối năm 2018, những tháng đầu năm 2019, song vẫn thấy một điều hết sức băn khoăn là cùng với sự tăng trưởng kinh tế thì những vấn đề bất ổn, những tồn tại kéo dài cũng tăng theo tỷ lệ thuận.
“Nguyên nhân do đâu?”, vị đại biểu là thiếu tướng công an trăn trở, và cho rằng chúng ta chưa giải quyết được căn bản mối quan hệ cốt lõi trong mô hình tăng trưởng, trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra.
“Nhiệm kỳ này chỉ còn 2 năm, nhưng 5 năm sau và những năm tiếp theo, 50 năm sau, 100 năm sau thì chúng ta giải quyết những mối quan hệ này như thế nào? Theo tôi, đây là cốt lõi của sự phát triển đất nước”, đại biểu tỉnh Bình Dương nói, và đề nghị sau này đánh giá các chỉ tiêu tăng trưởng, nên có chỉ tiêu đánh giá về sự hài lòng của người dân.
“Đây là chỉ tiêu hạnh phúc của con người. Tôi nghĩ trong tương lai nên nghiên cứu vấn đề này”, đại biểu Hồng nhìn nhận.

Có tình trạng cơ quan thẩm tra xuôi chiều với cơ quan soạn thảo

Một vấn đề khác mà đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh trong phần thảo luận của mình là câu chuyện bất cập, tồn tại trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật - phóng viên).
Theo ông Hồng, những ý kiến tranh luận xung quanh luật Quy hoạch, thảo luận về luật Đầu tư công hay việc sửa đổi luật Thi hành án hình sự đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác khiến ông thấy “một điều đáng lo”.
“Hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta nói như nhiều đại biểu là không đồng bộ, không thống nhất. Theo tôi, đây là hệ thống pháp luật nặng về tính chắp vá, pháp luật chạy theo tình hình. Việc chúng ta sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có vẻ hơi dễ dãi. Tôi có rất nhiều minh họa để chứng minh cho điều này”, đại biểu Hồng nói, và cho rằng nếu không khắc phục tình trạng này thì tiếp tục rơi vào tình trạng luật khung, luật ống, luật chồng luật, rồi nghị định, thông tư thì có tác động trực tiếp nhiều hơn luật.
“Tôi xin nói một cách rất khách quan là có một xu hướng trong xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay là sự đồng thuận xuôi chiều giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Đây là một khâu sơ hở dẫn đến việc cài cắm các lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật. Hiện nay, cử tri đặt vấn đề việc xây dựng pháp luật của chúng ta nặng về lợi ích nhóm, lợi ích ngành”, đại biểu Hồng nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, chất lượng làm luật cũng có vấn đề, dù đây là cả quy trình.
“Tuy nhiên, chúng đặt vấn đề trách nhiệm của Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội ở đây như thế nào để chúng ta có một giải pháp tổng thể trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật”, đại biểu nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả của hệ thống pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.