Tại sao phòng chống tốt nhưng tội phạm vẫn tăng
Ngày 21.11, Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho biết, số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ năm trước, nhất là các loại tội phạm ẩn như tội phạm tham nhũng chức vụ, nhận hối lộ, tội phạm về ma túy.
Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng tình hình tội phạm vi phạm pháp luật năm 2023 tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản do phạm tội gây ra.
"Trong đó, một số loại tội phạm tăng mạnh, như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, nhất là tội phạm gây rối trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội, đồng thời thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực", ông Khánh nêu.
Theo ông Khánh, nguyên nhân làm gia tăng tội phạm là công tác đánh giá, dự báo tình hình chưa tốt và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, hiệu quả còn thấp, nhất là việc cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội để người dân biết phòng ngừa, đấu tranh.
Từ đó, ông Khánh đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ nguyên nhân làm gia tăng tội phạm để có những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội: Để phòng chống tham nhũng cần quan tâm mức sống của cán bộ
Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nêu: "Không phải một năm nay mà nhiều năm rồi, chúng ta đã tập trung chống tốt nhưng tại sao tội phạm vẫn tăng?".
Theo ông Phàn, phải chăng đến lúc cần phải tập trung nghiên cứu một cách căn cơ về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa. "Đây không phải là trách nhiệm chỉ của các cơ quan pháp luật, không phải trách nhiệm cơ quan tư pháp mà trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả các cơ quan", ông Phàn nói.
Phấn đấu để cán bộ sống bằng lương
Cũng liên quan tới giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đề xuất bổ sung nhiều giải pháp ngoài các giải pháp Chính phủ đưa ra.
Theo đó, bà Linh đề nghị cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.
Bà Linh cho rằng, lương và phụ cấp là những khoản thu chính và nguồn sống chính của cán bộ công chức. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy rằng, chính sách lương phụ cấp của ta cũng còn nhiều bộc lộ, bất cập hiện nay.
"Để góp phần công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, phấn đấu để cho họ sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội", đại biểu Bình Thuận nêu.
Cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, bà Linh đề nghị, trong quá trình xử lý những người vi phạm cần có sự phân loại đối tượng như đối tượng chủ mưu, đối tượng cầm đầu cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh. Những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên cần phải được xem xét có chính sách khoan hồng.
Đại biểu Linh cũng đề nghị, phải phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng.
"Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại", đại biểu Linh nói.
Bình luận (0)