Đại biểu Quốc hội đau lòng vì ‘con em mê phim ngoại, quên lịch sử Việt’

15/11/2017 12:29 GMT+7

Cho rằng luật Cạnh tranh chưa làm tròn vai trò tăng nội lực đất nước, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cũng chia sẻ rất đau lòng khi con em chúng ta mê nhạc ngoại, thần tượng ngoại mà quên đi văn hoá, lịch sử Việt.

Sáng nay (15.11), thảo luận về luật Cạnh tranh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) tán thành việc sửa luật nhưng ông cũng cho rằng, nhiều cử tri, nhất là doanh nghiệp nội phản ánh nhiều điều bất hợp lý, bất công là hàng hoá và dịch vụ Việt Nam vất vả giữ thị phần ở nước ngoài, đồng thời cũng phải gian khổ cạnh tranh trong nước trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn, bán lẻ nước ngoài.
Chia sẻ không kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng theo ông Nghĩa, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ rõ, chúng ta đã mất rất nhiều tài nguyên, lao động giá rẻ, ưu đãi về thuế, đất cho các doanh nghiệp nước ngoài nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng.
Nhiều năm trước đã báo động vì doanh nghiệp có vốn nước ngoài luôn khai lỗ trong khi doanh số tăng đều, cơ sở luôn mở rộng sau đó chuyển nhượng với giá cao và thu được số lãi không nhỏ, hay báo động về tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực ô tô không đạt cam kết...
Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, khám chữa bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nổi lên là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn báo động về việc đang từng bước bị loại khỏi thị trường trong nước. Trong khi các cơ quan quản lý hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, mua bán sáp nhập ở tầng trên và ở bên ngoài Việt Nam, trốn thuế bằng công nghệ cao, điều khiển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn...
“Các doanh nghiệp của mình thì bị hạch sách, nhũng nhiều, không có phong bì không qua được cửa ải hành chính, trong khi chúng ta hầu như bất lực với các vụ thắng thầu chỉ nhờ kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao nhưng sau thì đội vốn", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nghĩa cũng chia sẻ, thật đau lòng khi con em chúng ta thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng ca sĩ, diễn viên ngoại, để tóc, ăn uống theo phong cách ngoại trong khi đó không biết những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Cho rằng những điều trên không chỉ giải quyết được bằng luật cạnh tranh mà còn nhiều chính sách, biện pháp phòng hộ khác, nhưng theo ông Nghĩa, luật cạnh tranh cần đóng góp nhiều hơn trong việc tăng cường nội lực của Việt Nam.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) thì ví von, luật Cạnh tranh được mệnh danh là bản hiến pháp của thị trường. Nhưng 12 năm thực hiện luật Cạnh tranh tại Việt Nam rất mờ nhạt, trong khi thị trường chứng kiến nhiều vụ phi lý như giá xăng giảm, giá vận tải không giảm.
Theo ông Lộc, nhiều cơ quan nhà nước có thể vô tư ra lệnh cấm uống bia ngoại tỉnh, ít cơ quan tính toán đến việc này ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh. Điều này do những hạn chế của luật, cơ quan thực thi chưa chủ động phát hiện, trong khi nhận thức người dân, doanh nghiệp, xã hội... còn hạn chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.