Đại biểu Quốc hội đề nghị nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi

21/11/2019 18:49 GMT+7

Tại phiên thảo luận về dự thảo luật Thanh niên sửa đổi, sáng 21.11, nhiều đại biểu đề nghị nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 thay vì 30 như hiện nay.

Cơ quan nhà nước thiếu thanh niên

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, việc nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi là cần thiết, vì hiện nay điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao nên tính năng động sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng được duy trì dài thêm.
“Thực tế, rất nhiều người đã qua tuổi thanh niên nhưng suy nghĩ, sự sáng tạo, ý chí, nhiệt huyết trong lao động, học tập vẫn như thanh niên”, đại biểu Cao Bằng nói, đồng thời cho rằng, Quốc hội vừa thông qua bộ luật Lao động sửa đổi, quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 2 tuổi đối với nam và 5 tuổi đối với nữ, do đó, việc kéo dài độ tuổi thanh niên là phù hợp.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Đoàn Cao Bằng cho rằng, cùng với xu hướng già hóa dân số, tỉ lệ sinh giảm dần thì số lượng thanh niên cũng giảm dần, đặc biệt là thanh niên trong khối cán bộ, công chức, viên chức đang giảm nhanh trong những năm qua do việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sáp nhập cơ quan đơn vị hành chính cấp huyện, xã, hạn chế tuyển dụng mới, nên không có nguồn bổ sung đoàn viên, thanh niên cho khối này.
Do đó, mặc dù điều lệ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hiện quy định độ tuổi của đoàn viên là 16 - 30 tuổi nhưng thực tế đa số cơ sở đoàn trong khối Đảng, cơ quan đoàn thể rhành chính nhà nước đều giữ đoàn viên sinh hoạt tới 35 tuổi.
“Vì nếu cho trưởng thành đúng 30 tuổi thì số lượng đoàn viên sẽ rất ít, thậm chí không đủ điều kiện để thành lập chi đoàn, phải sinh hoạt ghép với các cơ quan, tổ chức khác, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của khối này”, bà Dung nêu.
Ngoài ra, theo nữ đại biểu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia quy định tuổi thanh niên tối đa từ 35 - 40 tuổi. Chẳng hạn như Singapore quy định độ tuổi thanh niên từ 15 - 35 tuổi, Ấn Độ là từ 10 - 35 tuổi còn Brunei là từ 15 - 40 tuổi.
“Vì những lý do trên tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi”, bà Dung đề nghị.

Chưa thấy phát sinh vấn đề cần sửa đổi

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại diện cơ quan soạn thảo dự án luật, cho hay một số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật là giữ nguyên độ tuổi quy định tại luật Thanh niên 2005, tức là từ 16 - 30 tuổi.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi; có ý kiến đề nghị ghi độ tuổi thanh niên từ 15 - 35, cũng có ý kiến từ 18 - 30.
Ông Tân thừa nhận, qua quá trình thực hiện luật Thanh niên 2005 cũng chưa thấy phát sinh vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi về độ tuổi thanh niên.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, độ tuổi thanh niên trung bình là từ 15 - 30 tuổi, phần lớn là nằm trong khoảng 15, 16 - 30 tuổi.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nội vụ, quy định về độ tuổi như trong dự thảo là nhằm đảm bảo tốt các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên và quy định độ tuổi như vậy cũng không ảnh hưởng của những người tham gia các tổ chức đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên.
Tuy nhiên, ông Tân khẳng định do vấn đề này có nhiều ý kiến đề xuất khác nhau nên Ban soạn thảo sẽ ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, quy định cho phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.