Sáng 10.11, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó ban Công tác đại biểu của Quốc hội, nêu thực tế các doanh nghiệp FDI lớn đang rất quan tâm tới thảo luận về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, vì liên quan trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp FDI đang được hưởng những ưu đãi nhất định về thuế thu nhập doanh nghiệp trong cả vòng đời dự án, kể cả khi đã hết thời hạn về ưu đãi thuế. Nếu áp dụng chính sách mới này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, lợi nhuận, thời gian hoàn vốn của dự án... vốn được ưu đãi trước đây.
Đồng tình với tờ trình của Chính phủ, theo đại biểu Yên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (với các doanh nghiệp hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%).
"Dù Việt Nam có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI như thế nào đi nữa (dưới 15%), thì các quốc gia khác cũng sẽ thu của doanh nghiệp đó phần chênh lệch", bà Yên nêu.
Đặc biệt, Phó ban Công tác đại biểu của Quốc hội đề nghị sau khi áp dụng cần có đánh giá tác động của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thu ngân sách nhà nước, cân đối lại ngân sách nhà nước trung hạn 5 năm 2021 - 2025.
Khi có nguồn thu bổ sung cho ngân sách từ sắc thuế doanh nghiệp bổ sung này, Chính phủ có thể xem xét, cân nhắc, báo cáo Quốc hội sửa đổi thuế thu nhập cá nhân. Theo đó sẽ điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng như ngưỡng thu nhập chịu thuế của thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả từ các nước. Đồng thời, để khoan sức dân, kích cầu tiêu dùng, kích thích phát triển kinh tế theo xu thế chung và định hướng cải cách chính sách thuế.
Tuy nhiên, đại biểu Yên cho rằng, việc áp dụng có khả năng sẽ làm mất đi một trong những chính sách ưu đãi về thuế quan trọng với các doanh nghiệp FDI hiện nay. Vì vậy, để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI, cần tìm ra được những đòn bẩy kinh tế mới, kể cả các ưu đãi khác hoặc có những giải pháp phi kinh tế mới tương xứng.
Nên có ưu đãi đi kèm khi áp thuế tối thiểu
Góp ý tại tổ, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, đồng tình việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết. Theo tờ trình của Chính phủ, Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu. Song, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư. Các chính sách này hiện chưa được Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội.
"Nếu các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thấy Việt Nam tăng thu, mà không hỗ trợ trở lại, họ có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang nước khác", ông Tuấn Anh nêu lo ngại. Tuy nhiên, việc hỗ trợ ra sao là vấn đề khó, cần nghiên cứu kỹ để giữ chân nhà đầu tư cũ thu hút vốn mới, không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Lý do, việc lấy trực tiếp khoản thu thêm để hỗ trợ doanh nghiệp là không khả thi, vi phạm quy định của OECD.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng nếu thu thuế bổ sung thì cần nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Dự thảo nghị quyết cần nêu thế nào để đưa ra được tín hiệu này, giao Chính phủ nghiên cứu phương án ưu đãi cụ thể. Đây là động thái để nhà đầu tư biết sẽ được hưởng thêm các chính sách khác khi áp thuế tối thiểu toàn cầu.
Bình luận (0)