Đại biểu Quốc hội đề xuất shipper, tài xế Grab, Be... đóng BHXH bắt buộc

23/11/2023 13:38 GMT+7

Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, các tài xế công nghệ như Grab, Be hay shipper là lực lượng ngày càng quan trọng và không ngừng tăng nhanh, cần bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc để đảm bảo quyền lợi.

Thảo luận về luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sáng 23.11, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM, thống nhất việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Đại biểu Quốc hội đề xuất shipper, tài xế Grab, Be... đóng BHXH bắt buộc - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM

GIA HÂN

Theo đó, bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng “hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên”.

Bà Thúy cho rằng, quy định mới nhằm đảm bảo mối quan hệ này được xác định đúng với bản chất của hợp đồng lao động được quy định tại bộ luật Lao động 2019. Về hình thức, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại có thời hạn từ 1 tháng trở lên. Quy định này sẽ mở đường, gián tiếp thừa nhận các loại hình hợp đồng có tên gọi khác. 

Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cũng đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Lý do, nền kinh tế việc làm tự do (Gig economy) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. 

"Tài xế xe công nghệ (Grab, Be...) và giao hàng công nghệ (shipper) là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng nhanh về số lượng. Đây còn là giải pháp việc làm tạm thời, linh động đối với lực lượng lao động chính thức trước những biến động của nền kinh tế đang làm tăng tỷ lệ thất nghiệp", đại biểu đoàn TP.HCM nêu và cho rằng, nhóm đối tượng này về bản chất có tồn tại quan hệ lao động. 

Tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ; có trả lương, dù 2 bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc. Đồng thời, sự điều hành giám sát thông qua app do doanh nghiệp vận tải quản lý.

Cho rằng các đối tượng này cần được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm và bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro, bà Thúy cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho họ.

Đại biểu Quốc hội: Người lao động cần được rút BHXH một lần và rút thỏa đáng nhất

Trước đó, một công bố hồi tháng 11.2022 của Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, hầu hết lái xe công nghệ chỉ có giao kết hợp đồng công việc, hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động, chiếm trên 79%, và chỉ 2% có hợp đồng lao động.

Tỷ lệ người lao động tham gia các loại hình bảo hiểm cũng ở mức rất khiêm tốn, dù công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Trong đó, tham gia BHYT có 51,11%; BHXH bắt buộc 8,15%, BHXH tự nguyện 5,56%, bảo hiểm tai nạn lao động 9,26%.

Kết quả nghiên cứu "Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm", do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong năm 2022 cũng đưa ra những con số tương tự.

Cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (mô tô, ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Gần 50% lái xe công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM, phần lớn là người ngoại tỉnh. Nhưng, phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tới việc tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp.

Rút bảo hiểm xã hội một lần: 'Rất khó để có một phương án chỉ toàn ưu điểm'

Theo dự thảo luật BHXH sửa đổi, có thêm 5 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm:

- Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh).

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

- Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt).

- Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với bộ luật Lao động năm 2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.