Thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các đại biểu Quốc hội đề cập tới việc giá vàng tăng cao, cần có giải pháp để ngăn ngừa tác động tiêu cực.
"Buôn lậu vàng làm chảy máu ngoại tệ"
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) nhận định rằng, do giá vàng liên tục tăng, vàng và đô la đã trở thành ưu tiên dự trữ của các hộ gia đình, cá nhân. "Nếu không sớm có giải pháp kiềm chế sẽ dẫn tới hiện tượng vàng hóa, đô la hóa trong các giao dịch xã hội", bà Thủy lo ngại.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì khẳng định quản lý thị trường vàng hiện còn nhiều bất cập. Giá vàng biến động mạnh, giá trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Một nguyên nhân nữa khiến giá vàng tăng cao, là do nguồn cầu quá lớn, người dân rút tiền đang gửi ngân hàng để đi mua vàng. Lãi suất tín dụng thấp cũng dẫn tới không đủ hấp dẫn để người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng, thay vào đó sẽ mua vàng dự trữ, như đã nêu.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ độc quyền vàng miếng
Trước thực trạng trên, ông Hòa đề nghị cần có giải pháp dài hạn để quản lý ổn định thị trường vàng.
Theo ông, việc đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ giải pháp tạm thời. Giá vàng không giảm mà còn có xu hướng tăng.
"Nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước?", ông Hòa đặt vấn đề.
Vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng. Việc này sẽ thực hiện dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
"Có như thế, tôi tin thị trường vàng sẽ ổn định, chứ không phải lên xuống hằng ngày như hiện nay", ông Hòa kỳ vọng.
"Thị trường ngầm" kinh doanh vàng, ngoại tệ
Tại báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ, khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Có ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm, không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước.
Cạnh đó, hoạt động giao dịch vàng, ngoại tệ có quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát, nhất là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng. Ủy ban Kinh tế dẫn số liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC, 2023) cho thấy ở Việt Nam, 81% nhà đầu tư từng đầu tư vào vàng và cho biết họ sẽ xem xét đầu tư vào vàng một lần nữa, chỉ số này cao hơn Trung Quốc (72%), Ấn Độ (67%) và toàn cầu (45%).
Tính riêng trong năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021, cao nhất khu vực ASEAN.
Tình hình phức tạp là vậy nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường. Ủy ban Kinh tế dẫn nhận định từ Bộ Công an, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam, gia tăng hoạt động tội phạm, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng an ninh tiền tệ, nhất là các tỉnh biên giới.
Vẫn theo báo cáo giám sát, buôn lậu vàng và ngoại tệ ngày càng gia tăng trong vài năm trở lại đây. Các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ có quy mô lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD.
Điển hình như chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), đã khởi tố 18 bị can về tội buôn lậu. Tang vật thu giữ gồm 198 kg vàng, 59 cây vàng, gần 2,9 triệu USD; gần 27 tỉ đồng và các phương tiện, thiết bị. Tổng trị giá thu giữ được tương đương gần 250 tỉ đồng.
Tiếp tục mở rộng điều tra, cơ quan tố tụng xác định chỉ tính riêng trong 2 tháng 8 và 9.2022, các đối tượng đã nhập lậu hơn 4 tấn vàng.
Bình luận (0)